Quốc hội thảo luận về cấp quyền lựa chọn biển số ôtô qua đấu giá

Thứ sáu, ngày 21/10/2022

(BDO)

Quốc hội sẽ thảo luận về việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 21-10, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.

Sau đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc hội nghe các báo cáo thẩm tra về các nội dung này.

Việc xây dựng Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; góp phần đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân song hành với hệ thống đăng ký xe bằng hình thức ngẫu nhiên hiện nay để chủ phương tiện có quyền lựa chọn, khả thi khi thực hiện; đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật và mọi người dân đều có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn biển số để tham gia đấu giá.

Ngoài ra, việc xây dựng Nghị quyết nhằm khai thác có hiệu quả tài sản công là kho biển số, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ đấu giá quyền lựa chọn biển số; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho công tác đăng ký, cấp biển số hiện nay để có thể số hóa hoàn toàn trong lĩnh vực đăng ký, cấp biển số phục vụ công tác quản lý Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân.

Do dự thảo Nghị quyết này có một số chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành, nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản.

Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

Đầu phiên họp chiều 21-10, Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự.

Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật; tiếp tục tổ chức khảo sát, hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Sau tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã bổ sung thêm 2 điều; sửa đổi, bổ sung thêm 4 điều (so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3); đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Phụ lục 4 Luật Đầu tư để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật./.

Theo TTXVN