Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
(BDO) Ngày 26-10, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đối với một số ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội về các nội dung cụ thể của dự án Luật Cảnh sát cơ động, Bộ Công an sẽ phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nghiên cứu giải trình, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình ra Quốc hội theo đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá cao các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến tâm huyết, sâu sắc và trách nhiệm đối với dự án Luật. Đồng thời cho biết, Bộ Công an sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật.
Góp ý về những nội dung cụ thể trong dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả", đồng thời bổ sung cụm từ “khi chưa được tác giả cho phép" vào khoản 4, Điều 1 của dự thảo về sửa đổi, bổ sung Điều 19 về quyền nhân thân. Cụ thể, khoản 4, Điều 1 như sau: "Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc, sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được tác giả cho phép", để cho chặt chẽ, tránh tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật sau này.
Đại biểu cho rằng: Sự toàn vẹn của tác phẩm gắn với quyền nhân thân là yếu tố mà pháp luật về Sở hữu trí tuệ luôn đề cao, bảo vệ. Ngoài ra, việc quy định “phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả" là một quy định rất khó xác định, đánh giá trên thực tế. Vì giá trị của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có ý chí chủ quan và quan điểm riêng của tác giả…
HỒ VĂN