Quốc hội thảo luận các vấn đề về KTXH, phân bổ ngân sách
Tiếp tục ngày làm việc thứ ba, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, sáng 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013.
Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu đều đồng ý với nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp và khó khăn, thương mại sụt giảm mạnh, tăng trưởng toàn cầu thấp so với dự báo đầu năm, đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn.... Những vấn đề này đã đặt ra những thách thức lớn trong lựa chọn chính sách và điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Thông, tỉnh Thanh Hóa phát biểu ở tổ. Đại biểu Bùi Thị An của Hà Nội, thể hiện sự đồng tình với báo cáo nhưng cho rằng một số chỉ tiêu chưa cụ thể như vấn đề giảm nghèo, tham nhũng... Đại biểu đề nghị "đánh giá thực trạng yếu kém đang ở mức độ nào trong điều hành kinh tế vĩ mô, nếu chúng ta tìm ra bệnh thì sẽ có thuốc."
Chính phủ cần phải xác định lĩnh vực nào yếu kém, bổ sung thêm phụ lục các chỉ tiêu... trên cơ sở như vậy mới có thuốc trị bệnh đúng, đại biểu chia sẻ. Tán thành với các chỉ tiêu tăng trưởng đã nêu trong báo cáo năm 2012 và 2013, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, phải chú ý đến tính bền vững, cụ thể, vấn đề tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước chưa có giải pháp cụ thể nên chưa hiệu quả, vấn đề giải quyết nợ xấu cần có giải pháp cụ thể và rõ hơn trong báo cáo.
Theo đại biểu Phạm Huy Hùng cũng của Hà Nội, báo cáo cần đánh giá đầy đủ hơn, đưa ra chính sách tháo gỡ khó khăn, ban hành chính sách thuế, giải quyết điểm nghẽn hàng tồn kho; hệ thống tài chính, thị trường chứng khoán có nhiều bất ổn, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế...
Đại biểu cho rằng, với kế hoạch 2013, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững quốc phòng an ninh. Đại biểu thể hiện sự nhất trí với chỉ tiêu kinh tế và đề nghị cần xem xét chỉ tiêu xuất khẩu, chỉ tiêu vĩ mô trong mối tương quan chung... Các chỉ tiêu an sinh xã hội, giảm nghèo, cần phải có giải pháp cụ thể hơn, nếu chỉ đưa ra giải pháp chung chung, rất khó thực hiện.
Về tái cấu trúc nền kinh tế, đại biểu Phạm Huy Hùng đề nghị xác định rõ mục tiêu, cách làm trong từng năm để đạt kết quả cao hơn; tập trung xử lý nợ xấu... để vốn nhanh chóng đi vào sản xuất. Đại biểu đề nghị xem xét và làm rõ hơn mô hình trong tái cấu trúc, như việc phân biệt rõ ngân hàng thương mại với ngân hàng đầu tư, đa số ngân hàng thương mại nhưng lại đầu tư dài hạn, đây là vấn đề cần phải xem xét.
Đại biểu Phạm Huy Hùng cũng đề nghị Chính phủ phải có giải pháp cụ thể hơn nữa trong tái cấu trúc, vấn đề thoái vốn nhà nước, tránh làm thị trường căng thẳng, bất ổn, không hạ được lãi suất khi huy động bị đẩy lên cao.
Đại biểu Nguyễn Minh Quang, Hà Nội, cũng đồng ý với các nội dung đã nêu trong báo cáo, tuy nhiên đại biểu cho rằng: nhiều yếu tố chưa vững chắc, lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn tồn kho lớn.
Nhìn lại chín tháng đầu năm, mặc dù được sự quan tâm lớn của Chính phủ, nhưng hoạt động của doanh nghiệp thực tế còn khó khăn hơn so với đánh giá trong báo cáo. Đại biểu chia sẻ: "Chúng ta phải nhìn thấy những điều chưa hợp lý trong quản lý điều hành, cần những "cú hích” để giải quyết được nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, đại biểu đánh giá cao chín nhóm giải pháp Chính phủ đề ra, đây là những nhóm giải pháp mang tính toàn diện, nhưng vẫn cần cụ thể bằng các thông tư, nghị quyết, hướng dẫn, quyết định giãn, giảm thuế, cho nợ tiền đất, để nền kinh tế phát triển theo đúng định hướng."
Đại biểu Trần Du Lịch của TP.HCM cho rằng, báo cáo còn thiếu sự phân tích như tốc độ tăng trưởng, hàng tồn kho... Các giải pháp vừa qua, cả về tiền tệ cũng chỉ là xử lý tình thế, mà không có giải pháp căn cơ như làm sao để chống nhập siêu, lạm phát… Tất cả những vấn đề này dẫn đến năm 2011, khi thắt chặt làm cho nền kinh tế bộc lộ đúng bản chất tình hình như giọt nước tràn ly. Đại biểu cũng cho rằng, với ba khâu đột phá chiến lược là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng, vấn đề quan trọng là phải có giải pháp cụ thể.
Theo đại biểu Đinh La Thăng của tỉnh Thanh Hóa, cần tăng cường đầu tư kết cấu công trình giao thông bằng vật liệu sản xuất trong nước để hỗ trợ nền kinh tế. Đại biểu nhấn mạnh, tái cơ cấu thì phải chọn giải pháp, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên các dự án và chấp nhận những công trình dở dang. Để tránh lãnh phí công trình giao thông, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét có gói trái phiếu hay tài chính để giải quyết những tồn đọng cũ, tránh việc để các công trình xuống cấp.
Liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, đại biểu Phạm Ý Nhi, Hà Nội, nêu rõ, cần cơ cấu giá viện phí trong CPI, hiện giá viện phí còn nhiều bất cập. Các tỉnh, thành phố không thực hiện đồng bộ đã gây sự không công bằng trong khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, vì mỗi nơi giá dịch vụ khác nhau.
Đại biểu Trần Hồng Thắm, tỉnh Cần Thơ, cho rằng, trong giáo dục, đào tạo, cần bổ sung làm rõ các chỉ tiêu như việc huy động vào học, xong có học hết hay không...
Theo đại biểu Võ Thị Dung, TP.HCM, nhiệm vụ giải pháp năm 2013 cần tập trung vào an sinh xã hội. Đại biểu thể hiện sự tâm đắc với báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công an, đề nghị cần nhanh chóng có nghị quyết chuyên đề về chống, ngăn chặn vi phạm pháp luật và tội phạm để ổn định đời sống nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng vấn đề phân bổ ngân sách vẫn dàn trải, bất hợp lý và không thể có nguồn lực để tăng lương và tháo gỡ những khó khăn của nền kinh tế. Việc phân bổ dàn trải và bất hợp lý do chúng ta không có cách làm ngân sách mới, nếu chúng ta không có cách làm mới thì không thể khác và không thể thay đổi, hiện nay phân bổ ngân sách hàng năm vẫn đều đều và theo mục tiêu có sẵn, đại biểu Nguyễn Đình Quyền nêu rõ.
Về vấn đề phân bổ ngân sách Trung ương năm 2013, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cũng cho rằng, việc phân bổ ngân sách Trung ương chưa phù hợp, quan điểm và cách triển khai không đồng nhất.
Theo báo cáo, quan điểm là tập trung cho con người, nhưng kết cấu và lộ trình cải cách tiền lương lại không có nguồn 60.000 tỷ đồng. Theo đại biểu, cần tăng lương nhưng mức độ thì phải cân nhắc cho phù hợp, để đảm bảo đời sống cho người dân.
Ngoài ra, trong chủ trương phân bổ ngân sách cho đầu tư phát triển, công trình trọng điểm thì phân bổ ngân sách Trung ương và địa phương bất cập, phân bổ không hợp lý, nặng cơ chế "xin-cho.” Hiện 76% ngân sách phân bổ về cho địa phương, Trung ương chỉ còn 24% thì khó triển khai các công trình trọng điểm quốc gia.
Theo TTXVN