Quốc hội khóa XIII (2011- 2016): Đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Quốc hội (QH) khóa XIII có vinh dự và trách nhiệm lớn trong việc kế thừa và phát huy những thành tựu, kinh nghiệm của QH khóa trước, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng và thực tiễn sinh động, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên QH cùng nhân dân cả nước thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được bổ sung, phát triển tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
(BDO)
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ký chứng thực Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 2-12-2013. Ảnh: T.LIỆU
QH khóa XIII được bầu cử ngày 22-5-2011; tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 99,51%; tổng số đại biểu QH được bầu là 500. Cơ cấu thành phần của QH khóa XIII như sau: Phụ nữ có 24,4%, đại biểu trẻ tuổi - dưới 40 tuổi 12,40%, trình độ đại học là 52,40%, trình độ trên đại học là 45,80%, tự ứng cử 0,8%, Trung ương 33,40%, địa phương 66,60,6%, tham gia QH lần đầu 66,6%, ngoài Đảng 8,4%, dân tộc thiểu số 15,6%, tôn giáo 2,84%, tái cử 33,40. |
Về hoạt động lập hiến, lập pháp, QH đã biểu quyết, thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 vào ngày 28-11-2013 tại kỳ họp thứ 6. Bản Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều, thể hiện nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; bố cục hợp lý, chặt chẽ và khoa học, bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, có tính ổn định, lâu dài. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo ra động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp 2013 cũng thể hiện rõ tinh thần đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm tất cả các quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Hiến pháp cũng khẳng định các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định các nguyên tắc cơ bản để hoàn thiện, đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan Nhà nước; giao cho QH, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, các cấp chính quyền đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý đất nước.
Tại kỳ họp thứ nhất, QH đã bầu Ủy ban Thường vụ QH gồm 17 thành viên, Chủ tịch QH: Nguyễn Sinh Hùng; sau đó tại kỳ họp thứ 6, QH đã bầu bổ sung thêm 1 thành viên. QH cũng đã thành lập Hội đồng Dân tộc, Hội đồng Quốc phòng - An ninh và 9 ủy ban của QH: Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Quốc phòng - An ninh và Ủy ban Đối ngoại. Ủy ban Thường vụ QH cũng duy trì 3 cơ quan chuyên môn trực thuộc là Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện và Viện Nghiên cứu lập pháp. |
Trong nhiệm kỳ, việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân. QH đã thông qua Nghị quyết về ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân; thảo luận về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; Chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ; Nghị quyết về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015… Trong điều kiện ngân sách khó khăn, QH đã quyết định giảm các khoản chi tiêu chưa thật cần thiết và kém hiệu quả; bố trí vốn, bảo đảm chi cho các ngành, lĩnh vực quan trọng; có nhiều giải pháp quyết liệt cân đối thu chi ngân sách, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phục hồi và tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. QH cũng có những quyết định quan trọng về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011- 2020; về công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện… QH cũng thảo luận và cân nhắc thận trọng, quyết định chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Trong nhiệm kỳ, QH khóa XIII đã có nhiều nỗ lực nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, đặc biệt là hoạt động giám sát tối cao theo chuyên đề đã được tập trung vào những vấn đề bức xúc. Việc tiến hành các phiên chất vấn của QH tiếp tục được cải tiến, đổi mới theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tính tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, tại một số kỳ họp, trước khi tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn, QH đã xem xét, thảo luận về báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn, trả lời chất vấn. Trong quá trình chất vấn, các đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi trọng tâm vào các vấn đề lớn được cử tri quan tâm. Các vị bộ trưởng cơ bản giải đáp được các vấn đề mà đại biểu nêu ra với tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và đưa ra được các giải pháp khắc phục. Nhiệm kỳ QH khóa XIII còn ghi dấu ấn với việc lần đầu tiên QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Nhiệm kỳ QH khóa XIII cũng đánh dấu sự thành công vượt bậc trong hoạt động đối ngoại của QH. Việc đăng cai Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh nghị viện thế giới tháng 3-2015 tại Hà Nội là một sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa lịch sử ngoại giao to lớn, thể hiện tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của QH nước ta, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. QH khóa XIII cũng tiếp tục tăng cường hoạt động đối ngoại đa phương trên các diễn đàn khu vực và thế giới như Hội nghị thế giới các Chủ tịch QH, Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương, Liên minh nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ, Hội nghị đối tác nghị viện Á - Âu…
QH khóa XIII với nhiều nỗ lực và đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được nhân dân giao phó. Những thành tựu đó là điểm nhấn quan trọng để thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra QH Việt Nam, đánh dấu quá trình xây dựng và trưởng thành của QH đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
P.V (tổng hợp)