Quốc hội khóa III (1964-1971): Chống chiến tranh phá hoại, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn với tiền tuyến lớn miền Nam
Quốc hội (QH) khóa III là QH của thời kỳ đất nước thực hiện cả hai chiến lược cách mạng, thời kỳ chống Mỹ cứu nước “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để thắng giặc Mỹ xâm lược”. Miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng. Cao trào thi đua yêu nước dâng lên mạnh mẽ chưa từng có.
QH khóa III thông qua Lời kêu gọi QH các nước ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược tại kỳ họp thứ 2, tháng 4-1965. Ảnh: TƯ LIỆU
(BDO) Ngày bầu cử QH khóa III là ngày 26-4-1964. Tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 97,77%. Tổng số đại biểu là 453 người; tổng số đại biểu được bầu gồm 366 người; đại biểu lưu nhiệm là 87 người. Thành phần đại biểu QH: công nhân (71), nông dân (90), tiểu thủ công (7), cán bộ chính trị (70), quân đội (18), nhân sĩ, tôn giáo (12), cán bộ văn hóa, giáo dục, pháp luật (37), cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật (61), đảng viên (296), ngoài Ðảng (71), dân tộc (60), phụ nữ (62), thanh niên (từ 20 đến 30 tuổi: 71)… Hoạt động QH khóa III đã đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ khôi phục và xây dựng kinh tế ở miền Bắc, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. QH đã có những quyết sách phù hợp về dân chủ, quan tâm đến lợi ích nhiều mặt, hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân; góp phần bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của chính quyền Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Nhiệm kỳ của QH khóa III kéo dài từ năm 1964 đến năm 1971 là do hoàn cảnh có chiến tranh diễn ra trên phạm vi cả nước. Trong 7 năm, QH khóa III đã họp 7 kỳ và Ủy ban Thường vụ QH đã họp 95 phiên, nhưng đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại, tổ chức hành chính, về nhân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Kỳ họp thứ nhất QH khóa III (từ ngày 25-6 đến ngày 3-7- 1964) tại Hà Nội đã bầu Ủy ban Thường vụ QH do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch; 6 Phó chủ tịch, Tổng thư ký, 15 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết và Ban thư ký gồm 4 vị. QH thành lập 5 ủy ban gồm: Ủy ban Dự án pháp luật, Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Thống nhất và Ủy ban Văn hóa - xã hội.
Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Lúc này, mọi yêu cầu nhiệm vụ về quân sự, kinh tế, chính trị… đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời. Trước tình hình khẩn trương đó, tại phiên họp ngày 10-4-1965, QH đã thông qua nghị quyết giao cho Ủy ban Thường vụ QH thêm một số quyền hạn trong trường hợp QH không có điều kiện thuận lợi để họp. Theo đó, mối quan hệ giữa QH, Ủy ban Thường vụ QH với Chính phủ ngày càng chặt chẽ và được duy trì thường xuyên. Những chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác lớn về chống Mỹ cứu nước, về kinh tế thời chiến, về đấu tranh thống nhất, đối ngoại đều được Chính phủ kịp thời báo cáo trước QH hoặc Ủy ban Thường vụ QH và được QH phê chuẩn nhanh chóng. Sự thống nhất giữa QH với Chính phủ là điều kiện quan trong bảo đảm động viên kịp thời yêu cầu của chiến tranh.
Trong hoàn cảnh chiến tranh diễn ra ác liệt, QH và Chính phủ đã động viên quân và dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, hết lòng chi viện kịp thời và ngày càng to lớn cho miền Nam đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ và chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ; tích cực làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia và nhân dân Lào anh em. Trong giai đoạn này, quan hệ giữa QH Việt Nam với QH các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng nhằm tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Đánh giá về công lao và sự đóng góp của QH khóa III đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng nêu rõ: “QH khóa III là QH đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam”.
Các văn bản pháp quy đã thông qua
1 luật, 5 pháp lệnh gồm: Luật sửa đổi và bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự (ban hành ngày 25-4-1965); Pháp lệnh Quy định cấm nấu rượu trái phép (ban hành ngày 27-10- 1966); Pháp lệnh Quy định một số điểm về bầu cử và tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp trong thời chiến (ban hành ngày 11-4-1967); Pháp lệnh Ðặt các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ban hành ngày 15-1-1970); Pháp lệnh sửa đổi Ðiều 15 của Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức của Tòa án nhân dân địa phương ngày 23-3-1961 (ban hành ngày 27-1-1970); Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 16-4-1962 (ban hành ngày 27-1-1970).
Các hiệp định, hiệp ước, công ước quốc tế đã phê chuẩn
Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định văn hóa giữa Việt Nam và Cộng hòa Arập thống nhất (ban hành ngày 28- 1-1965); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại dài hạn giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Arập thống nhất (ban hành ngày 21-4- 1965); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại và Hiệp định thanh toán giữa Việt Nam và CH Arập Xyri (ban hành ngày 19-8-1970); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại và thanh toán giữa Việt Nam và Angiêri (ban hành ngày 2-2-1971).
P.V (tổng hợp)