Quốc hội khóa I (1946-1960): “Làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu nhân dân”

Thứ tư, ngày 09/03/2016

(BDO) Quốc hội khóa I là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, là mốc đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới. Quốc hội ra đời trong hoàn cảnh cuộc đấu tranh quyết liệt giành và bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc. Sự ra đời của Quốc hội vừa là thành quả vừa là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Quốc hội khóa I là Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân.

 Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946. Ảnh: TƯ LIỆU

 Ngày 6-1-1946, lần đầu tiên công dân của một nước Việt Nam độc lập được thực hiện quyền bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu, lập nên Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong điều kiện cả nước vừa phải hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc vừa phải từng bước thực hiện cải cách dân chủ, Quốc hội khóa I đã góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, với chiến thắng Ðiện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Ngày bầu cử Quốc hội khóa I là ngày 6-1-1946. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 89%. Tổng số đại biểu Quốc hội là 403 đại biểu; trong đó có 333 đại biểu được bầu và số đại biểu không qua bầu cử là 70 người (gồm 20 đại biểu thuộc Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội (Việt Cách) và 50 đại biểu thuộc Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), theo thỏa thuận trước cuộc bầu cử đạt được ngày 24-12-1945 giữa Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội) với Việt Cách và Việt Quốc. Việc này thể hiện chủ trương của Việt Minh về hòa hợp dân tộc, tập trung lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Quốc hội khóa I đã thông qua danh sách Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; thông qua 2 bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có bản Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên mở ra tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khóa I kéo dài từ tháng 1-1946 đến tháng 5-1960, là do trong điều kiện đấu tranh cách mạng (kháng chiến chống Pháp và đấu tranh chống Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn), đất nước bị chia cắt, nên không thể tổ chức được một cuộc bầu cử trên cả nước để bầu Quốc hội khóa mới. Trong nhiệm kỳ 14 năm hoạt động, Quốc hội khóa I đã tổ chức 12 kỳ họp, trong đó có duy nhất một kỳ họp được tổ chức ngoài thủ đô Hà Nội là kỳ họp thứ 3 được tổ chức vào năm 1953 tại chiến khu Việt Bắc (từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953).

Trong giai đoạn 1946 đến 1960, Quốc hội nước ta đã cùng với dân tộc trải qua nhiều khó khăn, gian khó để thực hiện sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong năm 1946, Quốc hội đã có những hành động quyết liệt để đoàn kết, thống nhất dân tộc, chống giặc ngoài, thù trong, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Quốc hội đã cùng với nhân dân thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, quyết liệt trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa…

Để lãnh đạo và điều hành chiến tranh được tập trung thống nhất, Quốc hội đã giao quyền bính tập trung vào Chính phủ. Ban Thường trực Quốc hội luôn ở bên cạnh Chính phủ để bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn và giám sát, phê bình Chính phủ về mọi công việc kháng chiến. Phù hợp với tình hình thực tế lúc đó, Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định: “Trong thời kỳ kháng chiến, vì tình thế khó khăn nên chỉ có Trưởng ban Thường trực Quốc hội ở cùng với Chính phủ để giúp và theo dõi đường lối chính trị, cùng với Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Các đại biểu Quốc hội sẽ tùy năng lực và địa vị mà tham gia vào mọi công tác kháng chiến”. Đây là một nét rất đặc biệt của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn này - Quốc hội kháng chiến.

Từ năm 1954 đến năm 1960, Quốc hội đã phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nhà nước theo quy định của Hiệp định Genève. Những năm đầu sau khi hòa bình lập lại, Quốc hội cũng đã thông qua các kế hoạch khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, đưa miền Bắc tiến dần từng bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Quốc hội khóa I với 12 kỳ họp đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ những năm tháng đầu tiên sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Đánh giá về công lao to lớn của Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ 12, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân vì nước, đã làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu nhân dân”.

 Các văn bản pháp quy đã thông qua

 2 Hiến pháp: Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 (Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946); Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960 (Quốc hội thông qua ngày 31-12-1959; Chủ tịch nước ký lệnh ban hành ngày 1-1-1960).

16 luật: Dự án Luật Lao động (thông qua ngày 8-11-1946); Luật Cải cách ruộng đất (ban hành ngày 19-12-1953); Luật Bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân (ban hành ngày 20-5-1957); Luật Quy định quyền lập hội (ban hành ngày 20-5-1957); Luật Quy định quyền tự do hội họp (ban hành ngày 20-5-1957); Luật về Chế độ báo chí (ban hành ngày 20-5-1957); Luật Công đoàn (ban hành ngày 5-11-1957); Luật Quy định Chế độ xuất bản (thông qua ngày 14-9-1957); Luật Quy định Những trường hợp phạm pháp quả tang và Những trường hợp khẩn cấp (thông qua ngày 14-9-1957); Luật Cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế (thông qua ngày 14-9-1957); Luật Quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp (thông qua ngày 14- 9-1957); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (thông qua ngày 14-9-1957; ban hành ngày 31-5-1958); Luật Quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (ban hành ngày 31-5-1958); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ban hành ngày 13-1-1960); Luật Hôn nhân và Gia đình (ban hành ngày 13-1-1960); Luật Nghĩa vụ quân sự (ban hành ngày 28-4-1960).

 

 Về thành phần đại biểu Quốc hội Khóa I, trong 333 đại biểu được bầu có 10 đại biểu nữ; 34 đại biểu dân tộc thiểu số; 87% là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 43% là không người đảng phái.

Điều này khẳng định nguyên tắc bầu cử bình đẳng, nhất là bình đẳng nam nữ về quyền bầu cử, ứng cử ngay trong những ngày đầu tiên của nền cộng hòa dân chủ nhân dân; thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong bầu cử ở thời đại Hồ Chí Minh. Nhất là khi nước ta trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến với lễ giáo “Tam tòng”, người phụ nữ bị đặt địa vị thấp kém trong xã hội cũng như trong gia đình, lập tức nay dưới nền dân chủ cộng hòa, đã được hưởng ngay quyền bầu cử, ứng cử. Nguyên tắc bầu cử bình đẳng không phân biệt nam nữ đã nâng địa vị người phụ nữ Việt Nam lên ngang hàng với nam giới như phụ nữ các nước có nền pháp lý dân chủ, văn minh, tiến bộ đương thời.

P.V (tổng hợp)