Quên nỗi buồn riêng để vui cùng đất nước
Giàu lòng yêu nước, sẵn sàng động viên người thân yêu của mình tham gia cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Giao (SN 1929) không chỉ có chồng, con hy sinh vì cách mạng mà mẹ cũng là hậu phương vững chắc, ngày đêm tiếp tế lương thực cho các lực lượng trực tiếp tham gia kháng chiến.
Mẹ Nguyễn Thị Giao sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phước Hòa (Phú Giáo). Hiện mẹ đang sống cùng người con trai út - anh Trần Văn Sùng (SN 1967) tại ấp 1A, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo. Đối với mẹ, những năm tháng gian khổ đã qua đi, giờ được sống trong hòa bình bên con cháu cùng sự quan tâm của xã hội là niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Sớm được tiếp thu truyền thống yêu nước, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, mẹ không ngại gian khổ, khó khăn, nhiều đêm vượt qua rừng cao su để đem lương thực cho bộ đội. Mẹ cũng từng bị địch kết tội có chồng, con đi theo cộng sản để tra khảo, đàn áp nhưng mẹ vẫn không nao lòng, sợ hãi.
Chồng mẹ, ông Trần Văn Mạnh (SN 1927) là một thanh niên hết lòng vì lý tưởng cách mạng. Ông thoát ly khi mới mười tám, đôi mươi. Biết được việc làm của chồng, mẹ không hề sợ sệt mà càng yêu và nguyện sống trọn đời bên chồng. Sau khi cưới, mẹ làm công nhân đồn điền cao su Phước Hòa và tiếp tế lương thực cho bộ đội; chồng hoạt động bí mật. Chiến tranh ác liệt, thời gian bên nhau không nhiều nhưng chính điều đó càng làm tình cảm thêm sâu đậm. Tình yêu, hạnh phúc của đôi vợ chồng trong kháng chiến “đơm hoa kết trái” khi 3 đứa con lần lượt ra đời: Trần Văn Lập, Trần Thị Lề, Trần Văn Sùng.
Chồng mẹ đã tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dù ở thời kỳ nào, cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành nhiệm vụ. Ông còn được nhận Huân chương Quyết thắng hạng I.
Năm 1970, trong một lần đi công tác, ông đã bị địch bắt và hy sinh. Ông được nhân dân tại huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé cũ (nay là huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) chôn cất. Đến nay, sau bao năm tìm kiếm, gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt. Mẹ chỉ nhận được tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng với chức vụ cán bộ xã Tam Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Sông Bé. Năm chồng mất, con trai mẹ Trần Văn Lập cũng hy sinh. Anh Trần Văn Sùng cho biết, anh Lập theo ba lên Đồng Phú hoạt động cách mạng từ khi 16 tuổi. Đến năm 18 tuổi, anh hy sinh vì bị địch bắn trong lúc làm giao liên. Sau đó, gia đình chỉ nhận được giấy báo tử “Hy sinh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Mẹ Giao kể trong nước mắt, tiễn con trai lên đường, mẹ mừng vui lẫn lộn cùng nỗi lo lắng. Hơn ai hết, mẹ hiểu chân lý “nước mất thì nhà tan”, nên mẹ động viên con hãy giữ vững niềm tin mà chiến đấu. Mọi việc ở nhà mẹ sẽ lo tròn. Cuối năm 1969, con trai trở về thăm mẹ. Mẹ ôm con vào lòng nghẹn ngào không nói lên lời. Anh dặn mẹ giữ gìn sức khỏe rồi anh lại đi. Mẹ có biết đâu đó là lần cuối cùng mẹ được gặp mặt anh. Hiện nay, gia đình đã đưa hài cốt anh về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Hàng năm, dịp lễ, tết mẹ lại đến thăm con trai yêu quý.
Hai người thân của mẹ ra đi, nước mắt dành cho chồng chưa khô, mẹ lại khóc con trai. Những tưởng mẹ đã gục xuống, nhưng không mẹ đã đứng lên cùng chị em công nhân đồn điền cao su Phước Hòa góp gạo nuôi quân. Sự kiên trung, bất khuất và đức hy sinh của mẹ, cũng như nhiều bà mẹ khác đã góp phần to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
(BDO) THIÊN LÝ