Quên làm sao được!…

Thứ bảy, ngày 10/05/2014

Mỗi năm, cứ đến ngày kỷ niệm thành lập Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một, ông Nguyễn Quốc Nhân (cán bộ tuyên huấn giai đoạn 1961 -1975, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) lại trở nên suy tư, trầm ngâm hơn. Những ký ức một thời đạn bom, những kỷ niệm về những đồng chí, đồng đội lại ùa về trong ông. Ông trả lời phỏng vấn của chúng tôi mà như đang thủ thỉ với chính mình vậy…

Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Minh Giao (bìa trái) tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Quốc Nhân tại buổi họp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một - Bình Dương (10.5.1949 - 10.5.2014). Ảnh: Q.CHIẾN

- Thưa ông, chắc sẽ có rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm khó quên đối với ông trong những năm tháng đầy khó khăn ấy?

- Vì không thể nào quên được nên tôi luôn ghi nhớ trong tâm khảm. Nhớ hình ảnh những ngày khó khăn, vất vả khi đối mặt với đạn bom, đói rét. Nhớ hình ảnh người đồng đội đến lúc nhắm mắt vẫn còn cầm chiếc máy ảnh trên tay. Tôi làm sao quên được những đồng đội nằm lại ở chiến trường ngày ấy nhưng đến nay vẫn chưa được “về” với gia đình. Đó cũng là điều làm tôi vô cùng khổ tâm, day dứt trong nhiều năm qua.

- Trong những kỷ niệm không thể nào quên ấy, kỷ niệm nào sâu sắc và ám ảnh ông nhiều nhất?

- Đúng là có quá nhiều những kỷ niệm trong những năm tôi công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh. Nhưng nếu phải chọn ra những kỷ niệm sâu sắc nhất thì với tôi đó là những hy sinh của đồng chí, đồng đội. Đó là những hy sinh rất “đẹp”. Nếu tư tưởng, ý chí không vững, không kiên trung với Đảng với dân, các đồng chí nằm trong hầm bị phát hiện chỉ cần đầu hàng là sống nhưng các đồng chí ấy đã không làm vậy. Ngày ấy, trong điều kiện sống, chiến đấu gian khổ, bom đạn, bệnh tật, đói rét, sốt rét rừng nhưng các đồng đội của tôi vẫn không hề nao núng. Họ ăn lá rừng để sống và chiến đấu nhưng vẫn không hề nao núng. Tôi còn nhớ rất rõ hai đồng chí của mình cũng chọn cách hy sinh “đẹp”. Đó là các ông Sáu Triếu và Năm Tùng, đã vĩnh viễn ra đi không phải do đạn bom mà vì thiếu đói trên đường công tác. Nếu hai anh chỉ cần đi vài bước chân nữa và đầu hàng thì đã sống nhưng các anh đã không cho phép mình làm vậy.

Một sự kiện khác mà sau này mỗi khi nhớ lại tôi đều rất cảm động và ám ảnh. Đó là trong một lần về công tác ở xã Vĩnh Tân, huyện Châu Thành (TX.Tân Uyên ngày nay), đoàn chúng tôi gồm có 6 người gồm anh Năm Tuấn (Ủy viên Ban Tuyên huấn tỉnh), họa sĩ Tường Thoại, nhiếp ảnh Phi Hùng, nhà báo Quế Anh (Ngô Thị Phước), cô Sương (cán bộ Ban Tuyên huấn huyện) và tôi. Sau khi làm việc với anh Tám Thanh (Bí thư Huyện ủy), chúng tôi được hướng dẫn về 3 hầm bí mật. Đến khoảng 13-14 giờ chiều, du kích vào báo động địch đang càn vào, chúng tôi lập tức xuống hầm và sẵn sàng chiến đấu. Vài phút sau, máy bay địch lao tới quần thảo trên khu vực cụm rừng cao su Trao Trảo, rồi tiếng xe tăng, xe bọc thép, tiếng lính lùng sục mỗi lúc một gần. Bất ngờ đất trong hầm sụt lún, những chiếc xe tăng dàn hàng ngang nghiền qua xát lại trên miệng hầm chúng tôi. Đất từ từ lấp kín hầm; Phi Hùng bị lấp hoàn toàn, tôi bị đất lấp đến cổ chỉ còn cái đầu, còn Tường Thoại may mắn hơn. Trời tối, địch rút quân, Thoại lôi tôi lên; hai chúng tôi nhìn xung quanh, tất cả đều đổ sập. Hầm của cô Phước và Sương đã sụp, hai cô vẫn đang trong tư thế ôm nhau; còn Phi Hùng đã ra đi mãi mãi khi trên tay vẫn còn cầm chiếc máy ảnh.

Còn nhiều những sự hy sinh anh dũng của các đồng đội, đồng chí. Đó là diễn viên Ngọc Thu, đó là cô Thúy Vân, làm nhiệm vụ phát hành báo Phú Lợi, đó là anh Năm Huỳnh (Lê Huỳnh) tìm mọi cách đột ấp tìm lương thực cho đoàn văn công và còn nhiều đồng chí khác nữa đã anh dũng hy sinh để góp phần vào thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta.

- Chúng ta cần phải làm gì để tri ân những người đã ngã xuống vì cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay, thưa ông?

- Hôm nay chúng ta ngồi đây, riêng tôi thấy có lỗi với đồng chí mình vì phần đông các đồng chí còn nằm lại vùng rừng chiến khu, chưa tìm được phần mộ. Bây giờ nhiều địa hình đã thay đổi nên việc tìm kiếm các đồng chí ấy càng khó khăn. Xin các anh hãy tha thứ cho chúng tôi. Tôi và những anh em đã từng công tác trong ngành tuyên huấn rất mong tỉnh xây dựng một bia tưởng niệm các đồng chí cán bộ tuyên huấn đã hy sinh. Đó chính là sự tri ơn các anh hùng liệt sĩ của ngành tuyên huấn.

- Xin cám ơn ông!

“Tôi nhớ có lần anh Mười Huy (Nguyễn Quốc Huy, Trưởng Ban Tuyên huấn năm 1968) mời chúng tôi về nhà anh. Đó là một buổi tối. Sau vài cái gõ cửa, vợ anh đang tráng bánh ra mở. Anh đến chỗ ngủ của hai đứa con rồi hôn rất nhẹ lên mái tóc chúng vì sợ chúng thức giấc. Rồi hai vợ chồng chia tay nhau. Khi anh vừa đi được vài bước thì người vợ gọi với theo rồi chạy ra dúi vào túi anh một nắm bạc cắc. Nhưng chỉ mấy hôm sau anh đã hy sinh khi địch bắn trái vào hầm. Những đồng tiền cắc vẫn còn nguyên trong túi áo anh”.

 

TRÍ DŨNG (thực hiện)