Quảng Trị sáng mãi niềm tin chiến thắng!

Thứ hai, ngày 30/07/2012

Tối 27-7, kỷ niệm 40 năm sự kiện Thành cổ Quảng Trị và 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức chương trình giao lưu, nghệ thuật “Quảng Trị sáng mãi niềm tin chiến thắng”. Có thể nói, đây là một chương trình hoành tráng, tái hiện khoảnh khắc vượt sông vào thành chiến đấu của những người lính giữa mưa bom bão đạn của quân thù. Những câu chuyện huyền thoại trên dòng sông Thạch Hãn thiêng liêng đã làm xúc động lòng người.

40 năm trước, bắt đầu từ trưa ngày 30-3-1972, sau 2 đợt tấn công bất ngờ, dũng mãnh với binh chủng hợp thành, quy mô lớn của quân ta, ngày 1-5-1972, thị xã Quảng Trị đã được giải phóng, sau 18 năm bị Mỹ - ngụy chiếm đóng. Trong chiến dịch này, ta đã đánh tan tập đoàn phòng ngự mạnh nhất của địch ở Quảng Trị. Hơn 3 vạn quân giặc bị loại khỏi vòng chiến đấu; 178 máy bay, 11 tàu chiến, 320 xe tăng... của địch bị phá hủy. Sau những giờ phút hoàn hồn, để lấy lại tinh thần nhằm gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris, địch dốc toàn bộ lực lượng, mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị mà mục tiêu số 1 là chiếm lại Thành cổ. Chúng gọi cuộc hành quân này là “Lam Sơn 72”, là “cối xay thịt”, là trận Verdun (trận chiến ác liệt giữa Đức và Pháp trong Thế chiến thứ nhất) ở Việt Nam và bắt đầu từ ngày 28-6-1972.

 Đoàn cán bộ, biên tập viên, phóng viên Báo Bình Dương tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia Thành cổ Quảng Trị, tháng 4-2012.   (Ảnh: Lê Cảnh Hưởng) Đây là cuộc hành quân đẫm máu, cực kỳ dã man, tàn bạo của kẻ thù. Chúng không từ một hành động tội ác nào. Ném đủ các loại bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng laser, bắn đủ các loại pháo vào Thành cổ. Có tuần lễ, Mỹ - ngụy huy động máy bay chiến đấu của 3 quân chủng, ném tới 7.000 tấn bom và bắn 10 vạn quả đại bác vào thị xã Quảng Trị. Số bom đạn chúng ném xuống đây khoảng 328.000 tấn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã từng ném xuống thành phố Hirosima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945. Trong lịch sử chiến tranh thế giới chưa từng có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa thành cổ có chu vi 2.080m, khiến đối phương phải huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.

Chính trong chiến dịch phản kích mang tính hủy diệt đó của kẻ thù, Thành cổ Quảng Trị đã mở đầu trang sử vô cùng oanh liệt, hào hùng bằng cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ, hiểm nguy và dũng cảm của quân và dân ta qua 81 ngày đêm “mùa hè rực lửa”, rung chuyển toàn cầu. Quân ta đã cầm súng đánh địch bằng kỷ luật tuyệt vời, với tinh thần dũng cảm vô song, ý chí ngoan cường và sự hy sinh vô bờ bến, ai nấy kiên quyết giữ vững trận địa trong suốt 81 ngày đêm. Đó là 81 ngày đêm lịch sử bi tráng, ác liệt, hào hùng, đầy hy sinh và mãi mãi bất tử. Trận quyết chiến đã vượt ra ngoài tầm của thành cổ, tỉnh lỵ mà trở thành một trận quyết chiến mang tầm chiến lược đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Địch không hiểu nổi bằng sức mạnh nào mà quân ta chiến đấu oanh liệt như thế dưới bom đạn “thừa mứa” của chúng. Sau này một tờ báo ở phố Uôn (Mỹ) đã thắc mắc: “Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sĩ Việt cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52. Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ...”.

Vâng! Làm sao mà kẻ địch hiểu hết con người Việt Nam, hiểu hết một dân tộc với hơn 4.000 năm lịch sử. Có mặt tại buổi giao lưu nghệ thuật, cựu chiến binh Đào Chí Thành đã kể lại những khoảnh khắc xúc động của bộ đội ta khi nhiều chiến sĩ không biết bơi nhưng vẫn băng mình xuống dòng sông để vào thành chiến đấu cùng đồng đội. Và những thời khắc đó, nhiều chiến sĩ trẻ chỉ kịp kêu lên hai tiếng “mẹ ơi” rồi mãi mãi chìm vào dòng sông lịch sử. Họ, những người lính bước vào trận địa khi tuổi đời còn rất trẻ, nguyện hiến dâng thân xác cho Tổ quốc, bỏ lại sau lưng dang dở nhiều ấp ủ, ước mơ.

Thật tự hào khi dân tộc ta đã sinh ra những thế hệ cha anh chỉ có một mục đích là tiến về phía trước bảo vệ Tổ quốc. Các anh đã chiến đấu với một tinh thần lạc quan, lý tưởng như cựu chiến binh - anh hùng Lê Mã Lương đã nói: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Trong một lần trở lại thăm đồng đội, ông đã viết những câu thơ day dứt lòng người: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nỗi đau đã dần nguôi ngoai nhưng nỗi nhớ thì còn mãi. Bài học mà chiến tranh để lại là sự tàn khốc, bạo tàn mà những kẻ đang tâm muốn đè bẹp, xâm lược các nước khác cần phải ghi nhớ, bởi “chiến tranh đâu phải trò đùa”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: “Lịch sử không lặp lại, nhưng sai lầm thì có thể”. Chung sống hòa bình, tôn trọng lẫn nhau, đó là truyền thống ngàn đời nay và sẽ là mãi mãi của dân tộc Việt Nam.

KIẾN GIANG