"Quặng tặc" ngang nhiên hoành hành tại mỏ đất hiếm lớn nhất nước
(BDO)
Kiểm tra những bao tải đựng quặng đất hiếm được người dân cất giấu trong rừng và trong bản, chưa kịp vận chuyển đi bán cho các đầu nậu. (Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN)
Mặc dù xã Bản Hon đã tổ chức cho người dân trên địa bàn ký cam kết nếu cố tình khai thác, vận chuyển trái phép quặng đất hiếm sẽ bị xử lý nhưng hầu hết người dân không đồng ý và không ký cam kết.
Xã Bản Hon đã thành lập hai chốt gác tại khu vực bản Chăn Nuôi và khu vực trung tâm xã, phân công các lực lượng chốt chặn 24/24 giờ.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, xã đã tạm giữ hơn 40 xe máy và hơn 8 tấn quặng đất hiếm của các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép. Tuy nhiên các đối tượng vẫn lợi dụng sơ hở, dùng mọi hình thức vận chuyển trái phép quặng đất hiếm từ mỏ ra ngoài địa bàn tiêu thụ.
Đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép quặng đất hiếm gồm cả người dân trong và ngoài xã Bản Hon. Hình thức khai thác chủ yếu là khai thác thủ công bằng cuốc, xẻng, tay bới.
Sau khi đã khai thác được quặng đất hiếm, các đối tượng dùng xe máy để chở đi tiêu thụ, vượt các chốt gác, ra ngoài địa bàn vào thời điểm giữa trưa hoặc ban đêm.
Các đối tượng còn vận chuyển quặng theo đường mòn tự tạo, vượt chốt gác, rồi tiếp tục dùng xe máy chở lên khu vực địa bàn thành phố Lai Châu để tiêu thụ.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bản Hon, đối tượng vận chuyển quặng đất hiếm có rất nhiều "quái chiêu" hòng qua mắt các lực lượng làm nhiệm vụ như cất giấu quặng vào trong cốp xe máy, hòm tôn, hay giấu vào giữa balô, bao cỏ, bao ngô... Thậm chí có đối tượng còn gói cả quặng vào trong chăn giả vờ chở đồ dùng, đưa người đi bệnh viện.
Khi xã Bản Hon tổ chức lực lượng vây bắt, các đối tượng chống trả quyết liệt. Có đối tượng liều lĩnh điều khiển xe máy đâm thẳng vào cán bộ làm nhiệm vụ rồi bỏ chạy.
Tại các chốt gác, các đối tượng còn tập trung đông người đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ, đòi cho xe chở quặng trái phép đi qua.
Khi bị thu giữ quặng, các đối tượng còn tụ tập đông người ra khu vực thu giữ để gây rối, ném cả đá vào nhà cán bộ xã, chửi bới cán bộ đòi lấy lại quặng...
Xã Bản Hon đã báo cáo những việc này với huyện Tam Đường và huyện đã tăng cường hai tổ công tác vào xã cùng phối hợp tổ chức chốt chặn.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bản Hon, đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh điều tra xử lý trường hợp thu mua quặng đất hiếm ở thành phố Lai Châu. Đồng thời tỉnh cần có phương án giao cho một đơn vị vào khai thác quặng và quản lý.
Ngoài ra cơ quan chức năng cần có hướng dẫn, quy định cụ thể việc xử lý trong lĩnh vực đất hiếm như xử lý khai thác, vận chuyển, đầu nậu thu mua quặng đất hiếm trái phép. Các cơ quan chức năng ở cửa khẩu cũng cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển quặng qua địa bàn.
Từ năm 2012, xã Bản Hon được giao nhiệm vụ quản lý mỏ đất hiếm Đông Pao trên địa bàn. Đây là quặng đất hiếm được đánh giá có trữ lượng quặng lớn nhất Việt Nam./.
(Theo TTXVN)