Quản trị địa phương với sự phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thứ sáu, ngày 22/12/2017

Vai trò của công tác quản trị địa phương đối với sự phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một chủ đề mang tính thời sự được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tại hội thảo quốc gia “Vai trò của công tác quản trị địa phương đối với sự phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Học viện Cán bộ TP.Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ để phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu của nền kinh tế cả nước của vùng.

(BDO)  

 Toàn cảnh hội thảo quốc gia “Vai trò của công tác quản trị địa phương đối với sự phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Ảnh: TIỂU MY

 Quản trị dưới góc độ thiết chế Nhà nước

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng kinh tế năng động, phát triển bậc nhất của cả nước. Năm 2016, mức tăng trưởng kinh tế của vùng gấp 1,5 lần mức bình quân của cả nước, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 60% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 60% số dự án và 50% số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, Bình Dương là một điểm sáng trên bản đồ kinh tế Việt Nam, với những thành tựu về đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Song, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn những hạn chế và bất cập nảy sinh, đòi hỏi cần nghiên cứu, giải quyết nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ để phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu của nền kinh tế cả nước.

Tại hội thảo, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh cho biết, một trong những điều kiện tiên quyết hiện nay là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần thực hiện tốt công tác quản trị địa phương, để ngoài việc triển khai các cơ chế, chính sách tiếp cận hiệu quả đến người dân, còn nhằm thu hút nhiều hơn nữa sự đầu tư trong và ngoài nước cả về ngoại tệ và nguồn nhân lực để tiếp tục là đầu tàu trên con đường phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong tương lai.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trương Thị Hiền, Học viện Cán bộ TP.Hồ Chí Minh, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là điều kiện tiên quyết cho hoạt động quản trị địa phương theo hướng phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước cũng như tạo mối liên kết và phối hợp trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng kinh tế, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã quan tâm thực hiện quy hoạch và xây dựng 3 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Việc hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm là nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế nước ta; có khả năng đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các vùng và cả nước với tốc độ cao và bền vững, tạo điều kiện nâng cao mức sống của người dân và đạt được sự phát triển xã hội trong cả nước. Đứng trước yêu cầu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo là điều kiện quan trọng quyết định sự thành bại của công tác quản trị các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với vai trò là chủ thể của hoạt động quản trị địa phương, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phát triển cả về chất lẫn về lượng đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển là nhiệm vụ cấp bách không thể trì hoãn.

Vai trò của doanh nghiệp với sự phát triển bền vững

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, trong quá trình phát triển nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nhân nhập cư từ các nơi đến các khu công nghiệp, khu chế xuất để làm việc và trở thành lực lượng lao động giữ vai trò chủ chốt trong quá trình sản xuất. Song công nhân đang đối diện với vấn đề nghèo nàn trên phương diện tinh thần, tri thức, vốn xã hội, rất ít cơ hội nâng cao tay nghề… Dẫu rằng trong những năm gần đây, ở cấp độ vĩ mô Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ đời sống của người lao động nói chung và lao động nhập cư nói riêng; TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ, chăm lo cho đời sống của công nhân ngoài tỉnh thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức dân sự, tổ chức phi chính phủ nhưng thực trạng tiếp cận và hưởng dụng phúc lợi xã hội ở nhóm công nhân ngoài tỉnh từ chỗ ở, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo trợ khi gặp khó khăn, rủi ro… vẫn còn nhiều hạn chế.

Nổi cộm lên là vấn đề nhiều doanh nghiệp sa thải công nhân lao động trên 35 tuổi đang diễn ra khá nhiều ở TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và các địa bàn lân cận. Khi phải “về hưu” sớm thì công nhân đối diện với tình trạng không việc làm, sức khỏe suy kiệt, tạo thêm nhiều gánh nặng đối với Nhà nước, gia đình và xã hội. Song các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta, do nguồn lao động giá rẻ, hệ thống phúc lợi xã hội dành cho người lao động họ cho rằng mặc nhiên là trách nhiệm của nước sở tại.

Hiện nay, thông qua nghiên cứu cho thấy, vai trò của doanh nghiệp và các tổ chức Đoàn, Hội tại các doanh nghiệp đối với việc tạo điều kiện phát triển đời sống tinh thần, tạo cơ hội phát triển cho công nhân lao động đang rất mờ nhạt. Thêm vào đó, do yêu cầu về sản lượng công việc nên công nhân bị quản chặt chẽ về thời gian để bảo đảm chỉ tiêu về năng suất lao động của doanh nghiệp. Chính vì vậy, công nhân hầu như không thể tham gia hoạt động Đoàn, Hội vào giờ hành chính. Do đó, cán bộ phụ trách công tác Đoàn, Hội không thể triển khai hoạt động trực tiếp cho đoàn viên mà phải triển khai lại sau giờ họp. Bên cạnh đó, hiện nay ngày nghỉ của công nhân cũng có thể được mua với mức lương cao gấp 3 lần ngày thường, điều này thu hút người công nhân ra sức làm việc và họ không còn thời gian tham gia hoạt động của Đoàn, Hội. Người công nhân lựa chọn lợi ích về thu nhập từ việc tăng ca đem lại thay vì một số hoạt động của phong trào, mặc dù có hơn 80% công nhân đánh giá việc tham gia hoạt động Đoàn, Hội đem lại lợi ích cho bản thân họ.

Nghiên cứu cứu trên chỉ ra rằng, hiện nay sự thành lập chi đoàn ở doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào quy mô và thiện chí của doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho tổ chức đoàn thể được thực hiện tốt vai trò của mình. Bên cạnh đó, kinh phí cho chi đoàn, công đoàn và các chương trình hỗ trợ cho đoàn viên phụ thuộc khá nhiều vào ban lãnh đạo doanh nghiệp; trong khi cán bộ Đoàn hầu hết là nhân viên của doanh nghiệp. Điều đó gây bất lợi cho công nhân trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Có thể nói, các tổ chức công đoàn, chi đoàn trong doanh nghiệp vẫn chưa thực sự gắn kết với tổ chức chính trị, xã hội địa phương trong việc nâng cao đời sống tinh thần và bảo vệ lợi ích cho người lao động.

Thông qua nghiên cứu này, vấn đề đặt ra cho sự phát triển bền vững của địa phương là doanh nghiệp cần có sự chủ động quan tâm đến đời sống tinh thần, sự phát triển của người lao động và chính quyền sở tại cần có những quy định nhằm gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với sự phát triển của người lao động và vấn đề an sinh xã hội của địa phương.

 Dưới góc nhìn của nhà quản trị đô thị, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Diễn đàn phát triển đô thị bền vững châu Á tại Việt Nam cho rằng cần tập trung vào các vấn đề lý luận và thực tiễn từ những trải nghiệm chuyên gia về nghiên cứu “Quản trị đô thị địa phương trong bối cảnh Việt Nam”. Ông cho biết: “Chúng ta bàn về quản trị địa phương bao hàm quản trị đô thị và nông thôn. Quản lý và quản trị là hai khái niệm có nội hàm khác nhau tương đối. Nếu quản lý là hành động lãnh đạo, chỉ đạo, đòi hỏi (thường mang tính pháp lý) đối với các chủ thể xã hội chủ yếu thuộc về những người và tổ chức có quyền lực (Nhà nước, Chính phủ) thì quản trị lại là hành động đồng tham gia của nhiều phía, từ việc hình thành ý tưởng đến thiết lập chính sách và cuối cùng là thực hiện chúng trong thực tế của tất cả chủ thể xã hội.

 TIỂU MY