Quan trắc nước dưới đất: Tiến tới tự động hóa hoàn toàn

Thứ năm, ngày 09/05/2013
Kinh tế - xã hội phát triển ngày càng nhanh đã kéo theo những nhu cầu cần thiết về sử dụng nước dưới đất ngày càng tăng. Việc khai thác nước dưới đất tăng quá mức cũng gây suy giảm mực nước. Vì thế, quan trắc động thái nước dưới đất bao gồm đo mực nước và chất lượng để có kế hoạch cải thiện và bảo vệ nguồn nước dưới đất là nhu cầu bức xúc mang tầm quan trọng chiến lược đặc biệt trong tiến trình phát triển hiện nay...

   Cán bộ trung tâm đang thực hiện đo mực nước và nhiệt độ nước tại trạm, giếng quan trắc ở phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một

Bắt đầu năm 2003, Bình Dương đã triển khai thực hiện công tác quan trắc nước dưới đất. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, Bình Dương hiện có 17 trạm quan trắc với 36 công trình giếng quan trắc nước dưới đất trong các tầng chứa khác nhau. Được biết theo Quyết định số 918/QĐ-UBND ngày 6-4- 2012 về việc “Phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường tỉnh Bình Dương đến năm 2020” giai đoạn 2012-2015 của UBND tỉnh, Bình Dương sẽ tiếp tục bổ sung thêm 2 giếng quan trắc tại khu vực UBND xã An Tây (Bến Cát) và khu vực gần Công ty Nam Cường, An Phú (TX. Thuận An); đồng thời tiếp tục mở rộng mạng lưới quan trắc nước dưới đất thêm 18 giếng nữa trong giai đoạn 2016-2020.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng Nguyên, cho biết mục tiêu của chương trình quan trắc nhằm tập hợp đầy đủ số liệu phục vụ việc đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến xu hướng chất lượng môi trường nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các khu vực có nhiều cơ sở công nghiệp với mức độ khai thác lớn; cung cấp số liệu thông tin có độ chính xác cao phục vụ công tác quản lý môi trường, dự báo tình hình khai thác, biến đổi mực nước cũng như chất lượng nước dưới đất làm cơ sở xây dựng các kế hoạch bảo vệ môi trường và tài nguyên nhằm phát triển bền vững; cung cấp thông tin và dữ liệu cho báo cáo hiện trạng tài nguyên và môi trường quốc gia.

Thật vậy, sau nhiều năm thực hiện công tác quan trắc, kết quả cho thấy tại các trạm, giếng quan trắc, mực nước ở tầng nông (có chiều sâu 20 - 45m tính từ mặt đất tùy theo  khu vực) có xu thế tăng nhẹ ở hầu hết các khu vực trong tỉnh, đặc biệt khu vực phía nam Bình Dương có mực nước bình quân ở tầng này dâng cao hơn các khu vực khác do ít khai thác. Mực nước tầng sâu (có chiều sâu từ 50 - 130m tính từ mặt đất tùy  theo khu vực), tầng chứa nước chủ yếu được khai thác cho hoạt động công nghiệp có xu thế ngày càng hạ thấp, trong đó giảm mạnh nhất là các khu vực An Tây (Bến Cát), huyện Tân Uyên do khai thác nhiều.

Công tác quan trắc động thái nước dưới đất được thực hiện theo quy trình công nghệ quan trắc động thái nước dưới đất của Bộ Công nghiệp năm 1997 và Thông tư số 30/2011/TT-BTNMT ngày 1-8-2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quan trắc nhiệt độ không khí, nhiệt độ nước, mực nước và độ sâu đáy tại các giếng với tần suất 5 lần/tháng vào mùa khô và 10 lần/tháng vào mùa mưa. Riêng chiều sâu đáy giếng được đo 1 lần/tháng vào ngày 30 hàng tháng. Quan trắc chất lượng nước dưới đất được thực hiện 2 lần/năm, một lần vào mùa khô (tháng 4) và một lần vào mùa mưa (tháng 10) với 24 thông số hóa lý, vi lượng và vi sinh. Riêng các giếng tại khu vực huyện Phú Giáo được đo thêm các thông số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như DDT, DDE, Lindan.

Về chất lượng nước dưới đất, ông cho biết thêm tầng sâu tương đối tốt, các chỉ tiêu phân tích được nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Riêng các khu vực như Vĩnh Phú (TX.Thuận An) có hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ, ammoniac, vi lượng vượt tiêu chuẩn cho phép; khu vực An Tây (Bến Cát) có hàm lượng các chất ammoniac, vi lượng có xu hướng tăng cao so với các năm trước, vào mùa mưa hàm lượng các chất này tăng cao hơn mùa khô. Các khu vực Khánh Bình, Hội Nghĩa (Tân Uyên) có dấu hiệu nhiễm phèn và ammoniac, trong mùa mưa cao hơn mùa khô và có xu hướng giảm. Nước dưới đất tầng nông tại các khu vực Tân Uyên, Phú Giáo và Dầu Tiếng có chất lượng nước tương đối tốt. Tại các khu vực Sóng Thần, An Phú, Vĩnh Phú, An Tây, Khánh Bình có dấu hiệu ô nhiễm ammoniac và vi lượng, có xu hướng tăng cao vào mùa mưa và giảm vào mùa khô. Theo ông Nguyên, nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm thì nhiều. Nhiều cơ sở công nghiệp hoạt động, số lượng dân cư đông, cơ sở hạ tầng thoát nước còn hạn chế, nước thải sản xuất và sinh hoạt còn cho tự thấm vào đất. Riêng khu vực Vĩnh Phú có điều kiện thủy địa hóa phức tạp cần chú ý để tránh xâm nhập mặn do khai thác nước dưới đất gây ra.

Để tiếp tục chủ động và kịp thời nắm bắt sự biến động của mực nước dưới đất ở một số khu vực có nhiều giếng khai thác, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước dưới đất, UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động quan trắc mực nước, nhiệt độ nước, nhiệt độ không khí tại 3 cụm giếng ở khu vực Khu công nghiệp Sóng Thần, An Phú và Vĩnh Phú, phấn đấu đến năm 2020 tiến tới tự động hóa hoàn toàn mạng lưới quan trắc nước dưới đất trên địa bàn.

 HUY Á