Quần thể di tích Núi Cậu - Hồ Dầu Tiếng: Danh thắng tuyệt đẹp, phong cảnh hữu tình

Thứ bảy, ngày 13/06/2020

(BDO)

Khách du lịch tham quan chùa Thái Sơn Núi Cậu, huyện Dầu Tiếng

Cách trung tâm huyện Dầu Tiếng khoảng 7km, khu di tích tọa lạc trên địa bàn xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng. Đường đến khu di tích này khá thuận lợi, có thể đi bằng xe máy hay ô tô lớn đều được.

Điểm du lịch tâm linh

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Dầu Tiếng, Núi Cậu là một quần thể gồm 21 ngọn núi lớn, nhỏ khác nhau tạo thành, với tổng diện tích lên đến 1.600 ha. Ngọn núi cao nhất ở đây được gọi là núi Cửa Ông cao 295m, kế đến là Núi Ông cao 285m, núi Tha La cao 198m và thấp nhất là Núi Chúa cao 63m. Những ngọn núi này nối liền nhau, tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài. Núi Cậu là nơi có nhiều loại thảo mộc thiên nhiên phong phú, với nhiều loại gỗ quý, như: Gõ, căm xe, giáng hương, bằng lăng... Cây cối xanh tươi, trù phú quanh năm nên Núi Cậu còn là nơi sinh sống của nhiều loại động vật, như nai, heo rừng...

Đến với Núi Cậu, du khách không thể không ghé thăm chùa Thái Sơn. Chùa nằm ngay giữa lưng chừng núi, ở độ cao khoảng 50m. Đây là một trong những điểm đến du lịch tâm linh của khách hành hương trong và ngoài địa phương. Theo giới thiệu của cán bộ địa phương, người khai sơn xây dựng ngôi chùa này là hòa thượng Thích Đạt Phẩm, vào năm 1988 (còn có tên thân thuộc là Thầy Sáu). Chùa có khuôn viên rộng trên 3ha, với nhiều hạng mục công trình uy nghi, được xây dựng công phu, như: Cổng tam quan; ngôi Đại Tháp, cao 36m và có 9 tầng; tượng Nam Hải Quan Thế Âm bồ tát cao 12m; chánh điện; điện ngọc được xây dựng theo lối kiến trúc cổ lầu phương Đông.

Vào các ngày lễ Phật đản và các ngày rằm lớn, như Rằm tháng giêng, tháng bảy, tháng mười... khách hành hương từ mọi miền về chùa dâng hương rất đông. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, khách đến viếng chùa đông nhất là vào dịp lễ “Mẹ” diễn ra vào các ngày 13 đến 15 tháng 8 âm lịch hàng năm, và được xem là lễ lớn nhất ở Núi Cậu.

Về với thiên nhiên

Sau khi tham quan chùa Thái Sơn, du khách có thể men theo các bậc tam cấp để tiếp tục chinh phục đỉnh Núi Cậu. Từ đỉnh núi này, du khách có thể ngắm được toàn cảnh quần thể dãy Núi Cậu, quang cảnh xung quanh và lòng hồ Dầu Tiếng phía dưới. Trên đỉnh núi còn có một am miếu nhỏ - nơi thờ tự “Cậu Bảy”, có cây sung cổ thụ khoảng 300 tuổi cùng nhiều loại cây gỗ cổ thụ khác.

Đến với quần thể khu di tích này, khách tham quan không thể bỏ qua những cảnh vật xung quanh, tạo nên cảnh quan thiên nhiên hữu tình nơi đây, đó là hồ Dầu Tiếng và suối Trúc. Hồ Dầu Tiếng là một công trình thủy lợi rộng trên 27.000 ha, có sức chứa 1,5 tỷ m3 nước. Hồ có khả năng tưới tiêu cho hàng trăm ngàn ha hoa màu của các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Long An và TP.Hồ Chí Minh. Đứng trên đập hồ và đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh non nước hữu tình nơi đây cảm giác hết sức thú vị và bình an.

Dưới chân Núi Cậu, du khách có thể nghỉ chân, thư giãn bên dòng suối Trúc. Dòng suối nhỏ uốn lượn, nước chảy róc rách qua từng khe đá, hòa vào đó là tiếng chim rừng hót líu lo, tiếng lá cây xào xạc. Đặc biệt, hai bên suối, có rất nhiều cây trúc mọc hoang, trông rất đẹp và hài hòa với cảnh vật xung quanh. Phong cảnh của rừng núi, suối chảy trông giống như một bức tranh sơn thủy hữu tình sẽ làm cho tâm hồn du khách cũng trở nên thư thái, nhẹ nhàng hơn.

Quần thể Di tích Núi Cậu - hồ Dầu Tiếng đã được nhiều người biết đến, tìm về để hành hương, tham quan, vãn cảnh. Đây cũng là di tích được khai thác khá hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, để quần thể di tích này phát huy giá trị hơn trong thời gian tới, việc kết nối để phát triển du lịch địa phương với các địa phương khác trong tỉnh cũng cần được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa. Không chỉ trong tỉnh, nơi đây cũng có thể trở thành một trong những điểm kết nối du lịch quan trọng từ TP.Hồ Chí Minh đến tỉnh Tây Ninh và ngược lại.

HỒNG THUẬN