Quan tâm phòng, chống bệnh sốt rét
Tuy số bệnh nhân (BN) mắc bệnh sốt rét (SR) không còn nhiều nhưng căn bệnh này vẫn được ngành y tế tỉnh quan tâm trong phòng, chống và điều trị. Các chương trình y tế cho bệnh SR được triển khai thực hiện đầy đủ đến từng cơ sở y tế các cấp…
(BDO)
Bác sĩ Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trao đổi về loại muỗi gây bệnh sốt rét.
Ảnh: QUỲNH NHƯ
Sốt rét ngoại lai chiếm phần lớn
Tính đến nay, tổng số BN mắc bệnh SR có 47 ca, trong đó có 46 ca SR thường và 1 ca SR ác tính. BN mắc bệnh SR được chia thành 2 nhóm là ngoại lai (BN từ nơi khác đến) và nội tại (ở địa phương). Trong 47 ca này, chỉ có 8 ca nội tại và 39 ca SR ngoại lai. Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: “Dù số ca mắc bệnh SR của tỉnh chỉ là con số rất ít nhưng ngành y tế vẫn luôn quan tâm đến căn bệnh này. Bình Dương giáp với các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và số BN ngoại lai là lao động đi làm việc ở rừng, lâm trường về bị mắc bệnh. Những BN này đến Bình Dương nếu mắc bệnh vẫn được theo dõi, điều trị và cấp thuốc miễn phí. Các chương trình truyền thông, y tế cho căn bệnh này vẫn được quan tâm thực hiện và chúng tôi thường xuyên nhắc nhở cán bộ y tế xã kể cả cộng tác viên y tế ở cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn cho người bệnh đến trạm y tế gần nhất để nhận thuốc điều trị bệnh đến nơi đến chốn, tránh tình trạng mắc bệnh SR ác tính hay kháng thuốc do tự mua thuốc điều trị không đúng, đủ liều lượng…”.
Số BN mắc bệnh SR đa số tập trung ở các xã phía bắc như Tân Định (Bắc Tân Uyên), Tam Lập (Phú Giáo) và một số xã ở huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng. Các địa phương này cũng chỉ có một vài ca SR nội địa, còn lại là BN ngoại lai. Đó cũng là một trong những khó khăn cho công tác phòng, chống và điều trị nếu BN không khai báo, hợp tác với cơ sở y tế địa phương. Khi phát hiện có ca bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng sẽ tăng cường điều tra ổ bệnh, truy tìm nguyên nhân và dập dịch ngay, không để xảy ra dịch bệnh.
Tập trung tuyên truyền, dự phòng
Công tác tuyên truyền vẫn được thực hiện thường xuyên đến các cơ sở y tế, người dân vùng sâu vùng xa trong tỉnh. Việc triển khai các thông điệp truyền thông của Viện Pastuer (TP.HCM) được quan tâm thực hiện đầy đủ. Trung tâm Y tế dự phòng cũng mở lớp tập huấn về phòng, chống bệnh SR cho cán bộ y tế, cộng tác viên và bà con ở những vùng sâu vùng xa, công nhân nông trường cao su phải ngủ màn, tẩm màn, diệt muỗi… Cán bộ y tế cũng hướng dẫn bà con về những triệu chứng bệnh SR như đau đầu, sốt, run… nên chú ý khám và điều trị sớm, tránh tình trạng bệnh trở nặng.
Cũng cần nói thêm về công việc của những “con người thầm lặng” trong công tác phòng, chống bệnh SR. Đó là những cán bộ y tế phải ngồi thức để “làm mồi” cho muỗi chích, bắt muỗi về nghiên cứu, tìm hiểu nguồn lây bệnh. Chị Nguyễn Hồng Y, cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng, kể: “Tôi từng phải đi làm mồi cho muỗi ở các nơi như Cây Trường (Bàu Bàng), Long Tân, Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) và các xã ở huyện Phú Giáo. Có 3 cách bắt muỗi như mình tự làm mồi, bắt từ gia súc hoặc bẫy đèn. Ở những nơi ghi nhận ca mắc SR mới, chúng tôi phải đến tận nơi, nhắc nhở bà con ngủ mùng, trong khi mình thức để bắt muỗi! Mỗi lần đi công tác vất vả nhưng cũng vui bởi mình giúp người dân ở vùng có bệnh yên tâm hơn, tuyên truyền cho họ hiểu biết về căn bệnh này”.
Bác sĩ Chung cũng cho biết thêm, sốt rét còn gọi là “ngã nước”, là chứng bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Thế nên, cần thận trọng trong công tác phòng, chống để tránh lây bệnh. Và một khó khăn lớn nhất là quản lý người bệnh ngoại lai, bởi thế rất cần ý thức tự chăm sóc sức khỏe của người mắc bệnh SR, tránh lây lan trong cộng đồng.
QUỲNH NHƯ