Quan tâm phát triển nguồn năng lượng bền vững
(BDO) Với cơ sở hạ tầng hiện có, cùng với tiến trình xây dựng thành phố thông minh, điện mặt trời sẽ là nguồn năng lượng tối ưu trong điều kiện hiện nay, hạn chế mức độ gây ô nhiễm môi trường, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững tại Bình Dương.
Đại biểu tham quan công trình điện mặt trời tại KCN VSIP I trong ngày khánh thành
Thuận lợi
Ngày nay, do nhu cầu năng lượng sạch ngày càng nhiều nên công nghệ sản xuất điện mặt trời phát triển nhanh chóng ở một số nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã xác định phát triển điện mặt trời sẽ đáp ứng một phần nguồn năng lượng cho nhu cầu kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển bền vững của thế giới.
Theo đánh giá của Sở Công thương, Bình Dương có tiềm năng phát triển điện mặt trời. Việc cung ứng năng lượng đáp ứng nhu cầu phát triển tại Bình Dương hiện nay đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức do chênh lệch ngày một tăng giữa tốc độ phát triển phụ tải so với tốc độ phát triển nguồn phát điện. Do vậy, chiến lược từng bước đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, trong đó có điện mặt trời, được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững. Theo nghiên cứu, số giờ nắng trung bình trong năm của Bình Dương đạt từ 2.200 - 2.800 giờ, với lượng bức xạ mặt trời trung bình năm vào khoảng 4,5 kWh/ m2/ngày.
Một điểm khá thuận lợi là mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6-4-2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, có hiệu lực áp dụng từ 22-5-2020. Điểm mới quan trọng của quyết định này là đơn vị điện lực không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện, mua điện từ đơn vị phân phối điện để bán lẻ điện cho khách hàng. Trên địa bàn tỉnh có Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (KCN VSIP) là đơn vị ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhưng được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện. Công ty này mua điện từ đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện trong KCN VSIP 1.
Quyết định này quy định đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà, có công suất không quá 1 MWp, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35kV trở xuống của bên mua điện. Điểm mới ở đây là quy định rõ, hệ thống ngoài việc được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng (nhà ở, nhà xưởng, mái nhà để xe...), thì phải có công suất lắp đặt không quá 1 MWp mới được xem là hệ thống điện mặt trời mái nhà. Trước đây chỉ cần hệ thống lắp đặt trên mái nhà, không giới hạn về công suất đã được xem là hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Dư địa phát triển
Trước áp lực về bảo đảm cung ứng điện, việc phát triển các dự án năng lượng sạch, trong đó phát triển điện mặt trời mái nhà (điện mặt trời áp mái) được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực đầu tư cho ngành điện địa phương. Bình Dương hiện có hơn 36.400 doanh nghiệp trong nước và 3.612 dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Tỉnh tiếp tục được đánh giá là địa phương hấp dẫn của cả nước về thu hút FDI trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng KCN, nhà máy, các công ty mọc lên ngày càng nhiều, cũng như lao động trên cả nước đến làm việc, việc đầu tư phát triển và sử dụng điện năng lượng mặt trời trở nên cần thiết hơn.
Thời gian qua, Bình Dương khuyến khích các nhà đầu tư có thực lực đến phát triển năng lượng mặt trời trên cơ sở bảo đảm lợi ích kinh tế và giữ vững an ninh, an toàn tại địa phương. Tính đến tháng 9-2020, toàn tỉnh có 2.039 khách hàng là các tổ chức, cá nhân đã đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, đấu nối, hòa lưới và lắp đặt công tơ 2 chiều với tổng công suất 98.675 kWp. Trên thực tế sau khi đưa vào vận hành hệ thống năng lượng mặt trời tại Nhà máy bia AB InBev (KCN VSIP II-A), theo tính toán sẽ giúp sản xuất ra 840.600 kWh/năm, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện mà nhà máy đang sử dụng mỗi năm. Dự kiến trong thời gian tới AB InBev sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà máy ở KCN Mỹ Phước 2.
Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Dương (PC Bình Dương), trong tình hình hiện nay, để giảm áp lực cung ứng điện, PC Bình Dương khuyến khích người dân và doanh nghiệp (DN) lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái, vừa có thể giảm chi phí tiền điện, vừa có thể bán lại điện dư cho ngành điện và bảo vệ môi trường. Sở Công thương cho biết ngoài các vấn đề kỹ thuật, yếu tố giá điện mặt trời cũng đang tạo ra rào cản cho các nhà đầu tư phát triển điện mặt trời tại Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, Sở Công thương rất mong muốn Chính phủ tiếp tục có những cơ chế về giá để hấp dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các dự án điện mặt trời.
Ông Jan Craps, Giám đốc điều hành, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty AB InBev, cho biết: “Việc sử dụng năng lượng mặt trời tại nhà máy sản xuất bia thuộc VSIP II là bước đột phá đáng kể trong việc tiến tới bảo đảm 100% điện cung ứng cho nhà máy được chuyển hóa từ nhiệt lượng vào năm 2025. Chúng tôi mong muốn áp dụng kỹ thuật này ở tất cả các nhà máy bia tại Việt Nam trong tương lai”. Thời gian qua, thông qua các chương trình hội thảo, tư vấn, ngành điện Bình Dương đã cung cấp cho các doanh nghiệp cùng người dân những thông tin hữu ích, nhằm thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời như giới thiệu các chính sách liên quan; hướng dẫn thủ tục đấu nối lưới điện; cơ chế mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời; chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án thực tế... |
TIỂU MY