Quan tâm điều trị hội chứng “hậu Covid”

Thứ tư, ngày 03/11/2021

(BDO) Ai có thể bị hội chứng “hậu Covid”?

Hội chứng “hậu Covid” là các triệu chứng tái phát, kéo dài hoặc xuất hiện các vấn đề sức khỏe mới sau khi khỏi bệnh. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, sức khỏe hậu Covid-19 hiện đang là mối quan tâm của rất nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh. Hội chứng “hậu Covid” hay còn gọi là Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, đặc biệt những người lớn tuổi có bệnh lý, bệnh nền. Một số người mắc Covid-19 nặng sau khi khỏi bệnh vẫn gặp các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc có các triệu chứng kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau đó. Ngay cả những người bị Covid-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng cũng có thể cảm thấy không khỏe trong một thời gian dài. Các tình trạng tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, gây viêm hoặc tổn thương mô ở những bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng.

Điều trị “hậu Covid” kết hợp giữa Đông y và Tây y tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 1

Mặc dù Covid-19 chủ yếu gây tổn thương phổi, nhưng nó có thể gây ảnh hưởng kéo dài đối với nhiều cơ quan như: Tim, gan, não, thận và hệ thống mạch máu. Một số người khác, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19 nặng phải vào ICU (đơn vị chăm sóc tích cực), sau khi xuất viện gặp tình trạng kiệt sức, suy nhược nghiêm trọng, kèm theo suy giảm khả năng chú ý và tập trung, cùng với rối loạn căng thẳng sau sang chấn. Hội chứng này không chỉ tác động lên hệ hô hấp mà còn có thể ảnh hưởng lên nhiều hệ thống cơ quan bao gồm hệ tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, cơ, xương, da, lông. Các biểu hiện thường gặp của hội chứng này bao gồm mệt mỏi kéo dài, các bất thường hô hấp, tim mạch và tâm thần kinh, bao gồm cả các bất thường về xét nghiệm, các thăm dò chức năng và hình ảnh học.

Thực tế trong quá trình nghiên cứu đến điều trị bệnh cho thấy những người mắc bệnh Covid-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng vẫn có thể đối diện với hội chứng “hậu Covid”. Hội chứng này có thể xuất hiện ở các dạng khác nhau và có thể tồn tại nhiều triệu chứng cùng lúc trong khoảng thời gian khác nhau. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng kéo dài sau nhiễm Covid-19 như: Ho, khóthởhoặc hụt hơi; mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ. Các triệu chứng sẽ trầm trọng hơn sau các hoạt động thể chất hoặc tinh thần (hay còn gọi là tình trạng khó chịu sau khi gắng sức); khó suy nghĩ hay tập trung đôi khi còn được gọi là “sương mù não”; đau ngực hoặc dạ dày hoặc tiêu chảy; tim đập nhanh hoặc đập thình thịch (còn được gọi là trống ngực); đau cơ hay khớp, cảm giác tê râm ran.

Với nhóm bệnh nhân nặng, di chứng thường nặng nề hơn như di chứng về phổi, tim mạch, hệ vận động và tâm lý. Bệnh nhân sau khi hoàn tất việc điều trị và cách ly theo dõi tại nhà, tại các cơ sở y tế nên tái khám theo lời khuyên của bác sĩ để đánh giá mức độ hồi phục cũng như phát hiện ra các bệnh lý “hậu Covid”.

Điều trị “hậu Covid” kết hợp giữa Đông y và Tây y

Điều trị “hậu Covid” chính là mô hình tiếp nối các giai đoạn để phục hồi sức khỏe bệnh nhân mắc Covid-19 một cách toàn diện. Để kịp thời ngăn chặn các di chứng “hậu Covid”, Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 1 rất quan tâm đến việc phục hồi tinh thần, tâm lý người bệnh sau khi khỏi bệnh Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 1 cho biết, xu thế hiện đại, các bệnh lý “hậu Covid” sẽ được điều trị bằng phương pháp Đông Tây y kết hợp. Trong đó, các phương pháp Đông y có hiệu quả cao trong việc hồi phục nhanh chóng. Hiệu quả sẽ cao hơn đối với các bệnh nhân có tình trạng kháng thuốc hoặc dị ứng với thuốc Tây y, bệnh nhân có nguyện vọng được điều trị bằng phương pháp trị liệu thiên nhiên và tự thân.

Tùy vào thể trạng và bệnh lý của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cho các chỉ định phù hợp. Có các trường hợp F0 sau bình phục gặp các vấn đề về hô hấp và vận động, bác sĩ sẽ chỉ định tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng thông dụng cho F0 gồm: Vận động trị liệu hô hấp, tập vận động chủ động, tập vận động có trợ giúp, từ trường toàn thân, tâm lý liệu pháp. Ngoài ra, các kỹ thuật bổ trợ gồm massage trị liệu, điện xung, siêu âm hồng ngoại sẽ giúp các chức năng vận động sớm trở lại bình thường”.

Cùng quan điểm điều trị “hậu Covid” kết hợp giữa Đông y và Tây y, bác sĩ Trần Ngọc Thạch, Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 1 cũng chia sẻ tác dụng của các phương pháp y học cổ truyền rất tốt cho các triệu chứng “hậu Covid” như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, mất tập trung bằng kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt, ngâm chân bằng thuốc, châm cứu hoặc các bài thuốc Đông y. Thời gian điều trị có thể kéo dài từ 3 - 7 ngày tùy thuộc vào mức đáp ứng điều trị của bệnh nhân.

Theo quy định của Bộ Y tế, việc điều trị bằng phương pháp Đông y được hưởng bảo hiểm y tế nên bệnh nhân không lo lắng nhiều về vấn đề chi phí điều trị. Thay vào đó, việc thiết lập thói quen lành mạnh đóng vai trò quan trọng để hồi phục sức khỏe và tránh nguy cơ tái nhiễm. Hiện tại bệnh nhân vào bệnh viện điều trị “hậu Covid” cần được xét nghiệm lại. Nếu có kết quả âm tính, bệnh viện sẽ mời các chuyên khoa như tim mạch, hô hấp, thận, xương khớp… đến thăm khám và lên phương án điều trị cho bệnh nhân.

Theo quy định của Bộ Y tế, việc điều trị bằng phương pháp Đông y được hưởng bảo hiểm y tế nên bệnh nhân không lo lắng nhiều về vấn đề chi phí điều trị. Thay vào đó, việc thiết lập thói quen lành mạnh đóng vai trò quan trọng để hồi phục sức khỏe và tránh nguy cơ tái nhiễm.

HOÀNG LINH

Từ khóa: