Quan tâm đến lợi ích người lao động
Bình Dương đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư. Nhiều DN đã ăn nên làm ra trên vùng đất Thủ. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất- kinh doanh, một số DN gặp khó khăn, chủ DN “biến mất” để lại những hậu quả mà người lao động (NLĐ) gánh chịu như: nợ lương NLĐ, các khoản trợ cấp, giải quyết thôi việc... Để kịp giải quyết các chế độ cho NLĐ, Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp để xem xét giải quyết.
Doanh nghiệp đến đăng ký BHXH cho người lao động tại BHXH tỉnhDoanh nghiệp khó khăn
Đến cuối năm 2009, Bình Dương có 10 chủ DN đã làm ăn thua lỗ không có khả năng chi trả lương cho NLĐ nên đã tìm cách biến mất. Điển hình như Công ty Hason ở xã Tân Định (Bến Cát), tính đến tháng 1-2010, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc đã bỏ trốn về nước hơn 5 tháng. Ngày 27-1-2010, UBND tỉnh đã có Công văn số 251 gửi Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM về việc hỗ trợ liên lạc với chủ đầu tư Công ty TNHH Hason. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 14-1-2010, Công ty Hason nợ bảo hiểm xã hội trên 1,8 tỷ đồng, nợ lương công nhân (CN) trên 1 tỷ đồng, trong khi đó Cục Thi hành án đã kê biên tài sản của công ty và đã định giá. Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hiệp đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì phối hợp với Sở Ngoại vụ và các đơn vị có liên quan làm việc với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM để xác định chủ DN này đã bỏ trốn. Giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan lập các hồ sơ về lao động, tiền lương... để cùng thống nhất với Sở Tài chính trình UBND tỉnh tạm ứng ngân sách để chi trả lương cho NLĐ và xử lý các bước tiếp theo. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Văn Khương cũng cho biết: Công ty TNHH Hàn Việt ở phường Hiệp Thành, TX.TDM, đã cho CN nghỉ việc và chấm dứt hoạt động từ ngày 12-6-2009. Tính đến tháng 10-2009, đã có 26 bản án của tòa án buộc công ty phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), trợ cấp thôi việc cho NLĐ. Cơ quan Thi hành án TX.TDM đã niêm phong toàn bộ tài sản của công ty để thi hành án theo quy định. Công ty TNHH JS Vina ở xã Tân Hiệp, Tân Uyên cũng đã bị niêm phong từ tháng 11-2008 do chủ DN đã bỏ trốn, đến cuối năm 2009 nhà xưởng, máy móc của công ty đang được bảo vệ của Ngân hàng Công Thương bảo vệ để tránh thất thoát tài sản, vì ngân hàng còn đang chờ thanh lý nhà xưởng và máy móc của công ty.
Công nhân khốn khổ
Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh Bình Dương, trong năm 2009, trên địa bàn tỉnh đã có 10 chủ DN “bỏ trốn” để lại nợ 12,6 tỷ đồng, trong đó nợ lương của 2.800 CN là 3,8 tỷ đồng, nợ BHXH 4,7 tỷ đồng và nợ khác khoản 4 tỷ đồng. Theo BHXH tỉnh, đến nay có một số công ty có chủ bỏ trốn do BHXH tỉnh quản lý còn nợ BHXH, đó là Công ty TNHH Hàn Việt (TX.TDM) nợ tiền BHXH từ tháng 5-2006 đến tháng 5-2009 với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng... Những chủ DN bỏ trốn đã để lại những hậu quả mà NLĐ phải gánh đó là nợ lương, BHXH của NLĐ. Gần 700 CN của Công ty Hason đã bị chủ DN nợ lương với số tiền gần 2 tỷ đồng và sau đó bỏ trốn. Chị K., CN Hason than thở: Làm việc vất vả, lương tháng nhận ra cũng chẳng đáng là bao nhưng ước nguyện CN ở đây luôn có công việc làm để ổn định cuộc sống. Thế nhưng vừa qua, chị K., cùng các CN khác rất bức xúc khi hay tin ông chủ bỏ trốn còn nợ lương của NLĐ. Chị K., cùng nhiều CN trong công ty phải đi đến những công ty khác để tìm việc làm mới. Chị T., bi đát hơn: Với mức lương hàng tháng nhận từ Công ty Hason khoảng 1,6 triệu đồng, với số tiền này chị T., phải chi các khoản điện nước, nhà trọ... Thế nhưng trong năm 2009 công ty gặp khó khăn, ông chủ bỏ trốn còn nợ lương CN 2 tháng. Chị T., phải tìm kế mưu sinh đủ thứ nghề để kiếm sống lây lất qua ngày. Niềm hy vọng cuối cùng của những CN làm việc trong DN có chủ bỏ trốn là được sớm nhận lương để chi trả các khoản nợ và sớm tìm được việc làm ổn định.
Chính quyền vào cuộc
Trước tình hình các ông chủ DN bỏ trốn khiến NLĐ rơi vào tình thế khó khăn, trong thời gian qua Bình Dương đã xem xét giải quyết theo Quyết định 30 của Thủ tướng Chính phủ như: UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra xác định việc giám đốc bỏ trốn, thống kê tài sản, danh sách CN chưa được nhận lương, trợ cấp để tiến hành các thủ tục giải quyết. UBND tỉnh cũng đã trích ngân sách hàng tỷ đồng để trả lương cho CN. Cụ thể Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng các ngành trình tỉnh chủ trương và trực tiếp chi trả lương tháng 6 của 434 NLĐ thuộc Công ty TNHH Hason với số tiền 695.432.154 đồng. Thời gian chi trả sẽ kéo dài đến hết ngày 31-3. Khi biết thông tin DN có chủ bỏ trốn, BHXH Bình Dương nhanh chóng đến nơi để thu hồi sổ BHXH và chứng từ giải quyết các chế độ BHXH. Tiến hành bảo lưu sổ BHXH cho NLĐ. Cơ quan BHXH dán thông báo về việc liên hệ nhận sổ BHXH của NLĐ trước cổng công ty để CN biết thông tin về việc nhận trợ cấp BHXH của mình, có thông báo cả địa chỉ cơ quan BHXH. Sau khi thông báo thì NLĐ liên hệ trực tiếp BHXH để được hướng dẫn và nhận sổ. Đến nay đã giải quyết Công ty TNHH Hàn Việt (TX.TDM) thu hồi về BHXH tỉnh quản lý 360 sổ BHXH, trong đó đã bảo lưu xong 246 sổ BHXH và đã trả cho NLĐ được 172 sổ, còn 74 sổ NLĐ chưa đến nhận. Còn 115 sổ BHXH chưa bảo lưu được do tăng mới trong năm 2007, hiện đang được bảo quản tại phòng giám đốc. Công ty Hason đã thu hồi về BHXH tỉnh quản lý 230 sổ BHXH và đã bảo lưu toàn bộ sổ đến tháng 10-2007. BHXH tỉnh cũng đã chi trả được 143 sổ cho NLĐ, còn lại 87 sổ hiện phòng tiếp nhận BHXH tỉnh đang giữ để trả cho NLĐ. Đối với Công ty TNHH Diing Long, ở KCN Mỹ Phước thì BHXH thu hồi đợt 1 được 675 sổ BHXH, trong đó đã bảo lưu được 652 sổ, còn lại 23 sổ chưa bảo lưu do tăng mới từ tháng 12-2008. Trong tổng số 652 sổ BHXH đã bảo lưu, đã trả được 251 sổ cho NLĐ, còn lại 401 sổ hiện phòng tiếp nhận BHXH đang giữ để trả cho NLĐ. Đợt 2, BHXH thu hồi được 175 sổ BHXH, trong đó có 90 sổ BHXH đã được bảo lưu, còn lại 85 sổ chưa được bảo lưu...VĂN SƠN