Quan tâm công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS

Thứ hai, ngày 17/04/2023

(BDO) Để giúp học sinh (HS) có hướng đi phù hợp và bảo đảm công tác phân luồng hiệu quả cho HS sau khi tốt nghiệp THCS, thời gian qua, các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã thực hiện đa dạng hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Đồng thời, các trường cũng tăng cường đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho HS cuối cấp THCS.


Giáo viên và học sinh khối 9 trường THCS Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) nỗ lực dạy và học chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10

Định hướng phù hợp cho học sinh

Phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS là định hướng phân bổ tỷ lệ hướng đi của HS vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của HS cũng như nhu cầu xã hội. Để việc phân luồng HS đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả, các trường THCS trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp HS, đặc biệt là HS lớp 9 nhằm giúp các em có cái nhìn đúng về phân luồng HS, từ đó lựa chọn hướng đi phù hợp cho tương lai.

Năm học 2022-2023, trường THCS Trừ Văn Thố (huyện Bàu Bàng) có 5 lớp 9 với 184 HS. Công tác phân luồng HS đã được nhà trường thực hiện từ đầu năm dựa vào kết quả lớp 8 của HS để giáo viên có kế hoạch giảng dạy phù hợp. Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Minh Thu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thời gian này, trường đã phối hợp với các trường nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện các hoạt động hướng nghiệp cho HS. Phần lớn HS của trường đều có mong muốn thi lên lớp 10 nên nhà trường đã tăng cường hỗ trợ HS ôn tập nâng cao kiến thức chứ không dừng lại ở mục tiêu chỉ đủ xét tốt nghiệp THCS. Bên cạnh đó, việc định hướng cho các em đăng ký vào trường nào, sử dụng các nguyện vọng ra sao cũng được Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm định hướng và hướng dẫn cụ thể với phương châm chọn trường phù hợp với năng lực”.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TP.Thuận An, cho biết: “Năm học 2023- 2024, trung tâm chưa có chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể nhưng chúng tôi cũng đã có kế hoạch xin Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tuyển khoảng 400 HS lớp 10. Thời gian qua, trung tâm đã tích cực phối hợp với các trường THCS trên địa bàn làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cũng như tuyển sinh. Bởi vậy, số HS đăng ký vào học văn hóa kết hợp với học nghề tại trung tâm ổn định qua các năm”.

Đẩy mạnh triển khai

Nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng HS sau THCS, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đa dạng hình thức học tập, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tăng cường đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho HS.

Cô Phạm Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng trường THCS Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một), cho biết thời gian qua nhà trường đã tích cực tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em bằng nhiều hình thức như thông qua chương trình giáo dục hướng nghiệp chính khóa, lồng ghép thông qua các môn học trên lớp… Căn cứ vào kết quả khảo sát HS qua các đề thi thử tại trường và thành tích học tập của các em, nhà trường sẽ tư vấn, phân luồng HS để xây dựng kế hoạch ôn tập sát với năng lực. “Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức các buổi hướng nghiệp, cho HS khối 9 đi tham quan thực tế tại các trường nghề để các em có cái nhìn thực tế hơn về ngành nghề, nhu cầu việc làm, từ đó có sự lựa chọn phù hợp”, cô Phạm Thị Bích Thủy cho biết thêm.

Ngoài ra, để làm tốt công tác phân luồng, các trường THCS còn chủ động phối hợp chặt chẽ với hội cha mẹ HS làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp. Hàng năm, sau khi thi học kỳ I, dựa trên kết quả kỳ thi, 100% các trường THCS tổ chức họp phụ huynh, lồng ghép tuyên truyền nội dung này cho phụ huynh khối lớp 9 nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng tại các cơ sở giáo dục phổ thông cho phụ huynh, HS. Hoạt động này đã giúp phụ huynh nắm bắt và có quyết định đúng đắn về việc lựa chọn trường học cho con em mình.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết giáo dục hướng nghiệp cho HS phổ thông là hoạt động cần thiết nhằm giúp HS làm quen với một số nghề phổ biến trong xã hội và của địa phương, từ đó lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện của bản thân và tình hình thực tế. Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị cho HS tham gia học nghề, thi nghề bảo đảm với số lượng và chất lượng theo đúng quy định; chỉ đạo các trường tổ chức tư vấn hướng nghiệp đáp ứng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, quốc gia trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” và Kế hoạch số 3017/KH-UBND ngày 25-6-2019 của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án với một số mục tiêu, định hướng phân luồng cụ thể. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tỉnh; 100% trường THCS và THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Ít nhất 40% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp, sơ cấp…

TUỆ NHI