Quan tâm công tác bảo tồn, giữ gìn di sản văn hóa

Thứ hai, ngày 05/09/2022

(BDO) Cùng với quá trình phát triển đi lên của tỉnh nhà, thời gian qua, việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa trên đất Bình Dương luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Từ đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL), mà trực tiếp là Bảo tàng tỉnh đã triển khai thực hin nhiều nhim vụ liên quan nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa, khẳng định Bình Dương là vùng đất có bề dày về văn hóa, lịch sử lâu đời.

 

Ông Nguyễn Lộc Hà (bìa trái), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao chứng nhận “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” được vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia của Bộ VH,TT&DL cho lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một, phường Tân An và Ban quý tế đình Tân An

 Tiếp nối những thành công

Mới đây, Sở VH,TT&DL đã phối hợp với UBND TP.Thủ Dầu Một tổ chức lễ công bố danh mục di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” nhằm tôn vinh, giới thiệu đến mọi tầng lớp nhân dân về những giá trị của DSVH này trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần trên đất Bình Dương. Đây là thành tựu mới nhất của ngành VH,TT&DL trong công tác bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa trên đất Bình Dương. Để có được kết quả này, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh đã dành rất nhiều tâm huyết, thời gian thực hiện công tác sưu tầm tư liệu, hình ảnh phục vụ cho công tác lập hồ sơ khoa học để tham mưu Sở VH,TT&DL đề nghị tỉnh trình Bộ VH,TT&DL ra quyết định công nhận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết việc bảo tồn, gìn giữ DSVH là công việc hệ trọng của một quốc gia. Việc bảo tồn, gìn giữ di sản có ý nghĩa rất lớn, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc, vừa tạo nguồn lực để phát triển kinh tế ở địa phương. Trong quá trình hoạt động bảo tồn, gìn giữ DSVH trên địa bàn tỉnh, Bảo tàng tỉnh luôn chú trọng việc bảo vệ di tích một cách tốt nhất, an toàn nhất. Tuyệt đối không để xảy ra các tình trạng xâm lấn, xâm hại di tích và luôn có phương án phòng ngừa các rủi ro có thể ảnh hưởng xấu đến di tích, như: Thực hiện các công tác tu bổ, phục hồi di tích; xử lý chống sự xâm hại của côn trùng; xây hàng rào bảo vệ di tích. Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn trang bị cột chống sét cho các di tích nhằm tránh nguy cơ các di tích bị sét đánh làm sập, gãy…

Đối với các DSVH phi vật thể, Bảo tàng tỉnh thường xuyên thực hiện các đề án, kế hoạch để bảo tồn, phát huy DSVH và lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Sự nỗ lực trong công tác này đã mang lại những kết quả xứng đáng. Đầu năm 2022, “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” đã được công nhận đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Như vậy, tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã có 4 DSVH phi vật thể quốc gia, gồm: Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, Nghề gốm Bình Dương, Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà và Lễ hội Kỳ yên đình Tân An.

Quan tâm bảo vệ, giữ gìn giá trị văn hóa

Tại lễ công bố các DSVH phi vật thể quốc gia, bảo vật quốc gia được tổ chức trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã nhấn mạnh sự tự hào khi Bình Dương có thêm những di sản, bảo vật được đưa vào kho tàng văn hóa quốc gia. Ông khẳng định: “Thành quả sáng tạo độc đáo của cha ông đã để lại những di sản vật chất, tinh thần đa dạng, phong phú có giá trị đặc biệt, trong đó có những DSVH vật thể, phi vật thể đã được công nhận. Đây chính là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các địa phương nói riêng, của cả tỉnh nói chung, đồng thời góp phần thiết thực vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương trong kho tàng DSVH Việt Nam”.

Nhằm triển khai thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy các DSVH trên đất Bình Dương, Bảo tàng tỉnh đã và đang thực hiện nhiều hoạt động liên quan. Ông Lê Văn Phước cho biết về văn hóa phi vật thể, Bảo tàng tỉnh hiện đang thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; kế hoạch “Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2022”; xây dựng hồ sơ khoa học trình Bộ VH,TT&DL xét đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia “Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An”.

Về bảo vật quốc gia, đơn vị thực hiện phương án bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bảo vật quốc gia của tỉnh Bình Dương. Về di tích lịch sử, văn hóa, đơn vị tiếp tục xây dựng 2 hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh cho 2 di tích “Mả 35” ở TP.Dĩ An và “Đình Tân Thới” ở TP.Thuận An. Bảo tàng tỉnh cũng đang tham mưu đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030”, đề án “Tổ chức và hoạt động của di tích quốc gia Nhà tù Phú Lợi, Địa đạo Tây Nam Bến Cát, Chiến khu Đ”… đang chờ cấp trên phê duyệt để triển khai thực hiện.

Chia sẻ về hiệu quả công tác bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa trong thời gian qua, ông Lê Văn Phước đánh giá: “Nhìn chung, hoạt động bảo vệ, gìn giữ các DSVH trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các di tích được bảo vệ nguyên vẹn, không bị xâm hại, xâm lấn. Các DSVH phi vật thể được lập hồ sơ khoa học và vinh danh nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân. Các đề án, đề tài, kế hoạch được quan tâm xây dựng đã góp phần thuận lợi cho công tác bảo vệ DSVH phi vật thể ở địa phương”.

 Ngoài 4 di sản đã được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia, tỉnh Bình Dương còn có 2 di sản được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại, có 3 hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 63 di tích đã được xếp hạng; trong đó có 50 di tích cấp tỉnh và 13 di tích quốc gia.

HỒNG THUẬN