Quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người lao động: Chú trọng truyền thông, khám sức khỏe định kỳ

Thứ năm, ngày 24/10/2024

(BDO) Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động nữ có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số và nguồn nhân lực. Để công nhân lao động nữ có thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành đặc biệt là chủ các doanh nghiệp.


Người lao động đăng ký khám miễn phí tầm soát ung thư cổ tử cung tại TP.Thuận An

Thiếu kiến thức

Kiến thức sức khỏe sinh sản (SKSS) đối với phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng được cung cấp kiến thức này một cách kỹ lưỡng, đặc biệt là công nhân lao động (CNLĐ), vì vậy đã xảy ra một số trường hợp dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Điển hình như trường hợp của sản phụ Đ.T.K.T., 32 tuổi, bị khối u buồng trứng xoắn trên thai.

Qua khai thác tiền sử bệnh, được biết bệnh nhân có tiền sử kinh nguyệt không đều, hiện tại đang mang thai 6.5 tuần nhưng không đi khám thai định kỳ. Sản phụ đột ngột đau bụng nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh và đã nhập viện. Qua khám, siêu âm, bác sĩ nhận định bệnh nhân Đ.T.K.T. bị u buồng trứng xoắn trên thai 6.5 tuần, nguy cơ có thể sẩy thai bất cứ lúc nào nên buộc phải mổ cấp cứu. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, các bác sĩ đã bóc, tách khối u xoắn vào bào thai, bảo tồn thành công buồng trứng cho sản phụ.

Hay trường hợp bệnh nhân Đ.H.K., 30 tuổi, bị vòng tránh thai cắm vào quai ruột non. Năm 2018, chị Đ.H.K. có đặt 1 vòng tránh thai chữ T nhưng đến năm 2021 chị bị thai ngoài tử cung, bác sĩ tiến hành mổ hở lấy thai ngoài tử cung nhưng lại không ghi nhận vòng tránh thai. Tuy nhiên khoảng 2-3 tháng nay, chị Đ.H.K. đau bụng từng cơn, chị đi khám và siêu âm nhưng không tìm ra nguyên nhân. Bác sĩ chỉ định chị Đ.H.K. chụp phim X quang, kết quả ghi nhận 1 vòng tránh thai chữ T trong ổ bụng. Ngay sau đó các bác sĩ Khoa Phụ sản đã hội chẩn, tiến hành phẫu thuật lấy vòng tránh thai cắm vào quai ruột non ra ngoài.

BS.CKI Nguyễn Vĩnh Tú, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết vòng tránh thai thường có hạn từ 5-10 năm tùy từng loại. Nếu vòng tránh thai dịch chuyển mà không được phát hiện, đưa ra ngoài có thể dẫn đến thủng ruột, viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết. Trong thời gian đặt vòng tránh thai, chị em phụ nữ phải thường xuyên kiểm tra định kỳ. “Để tránh nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi, phụ nữ đang mang thai nên khám thai định kỳ. Nếu có các dấu hiệu bất thường sẽ được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, bảo đảm an toàn cho mẹ và thai nhi. Đối với những phụ nữ không mang thai cũng cần phải khám phụ khoa, siêu âm định kỳ để phát hiện sớm các bệnh trước khi gây ra những biến chứng nguy hiểm”, BS.CKI Nguyễn Vĩnh Tú cho biết thêm.


Khám sức khỏe sinh sản cho người lao động tại Trung tâmY tế TP.Thuận An

“Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho CNLĐ, trong đó có chăm sóc SKSS cho CNLĐ nữ. Các cấp công đoàn tiếp tục phối hợp tư vấn, tuyên truyền trực tiếp cho CNLĐ nữ. Qua đó, giúp đoàn viên, CNLĐ nữ nắm bắt thông tin mới về chế độ, chính sách và nâng cao nhận thức, hiểu biết về chăm sóc SKSS”

(Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh)

Cần quan tâm cho lao động nữ

Bình Dương có lao động nữ chiếm hơn 50% trong tổng số lực lượng lao động. Theo thống kê, hầu hết nữ công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp đều ở độ tuổi sinh sản (từ 18-40 tuổi). Do thời gian, cường độ làm việc cao nên việc bố trí đi khám sức khỏe rất khó khăn. Trong khi đó kiến thức và kỹ năng chăm sóc SKSS cũng như thực hành tình dục an toàn của một bộ phận nữ lao động còn thấp.

Thấu hiểu những khó khăn, thời gian qua việc chăm sóc SKSS cho lao động nữ đã được các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp quan tâm, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao. Một số đơn vị tổ chức khám sức khỏe cho người lao động rất hình thức, không đủ điều kiện để phát hiện bệnh, chỉ dừng lại ở khâu phân loại sức khỏe công nhân. Việc khám thai, chăm sóc sức khỏe chỉ ở mức đơn giản, chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe người lao động. Nhiều lao động nữ dù được phát hiện mắc bệnh phụ khoa nhưng sợ trừ lương, sợ mất khoản tiền chuyên cần... nên không đi điều trị. Nhiều nơi, cán bộ công đoàn phải thuyết phục, vận động nhiều lần, CNLĐ nữ mới tham gia các buổi truyền thông, nói chuyện về chăm sóc SKSS…

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết thực hiện chương trình, mục tiêu quốc gia về chăm sóc SKSS, dân số - kế hoạch hóa gia đình, nữ CNLĐ là đối tượng được ngành đặc biệt quan tâm. “Hiện ngành y tế vẫn đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai truyền thông các hoạt động về SKSS, cung cấp kiến thức cơ bản về phòng tránh thai, phòng chống bệnh lây nhiễm qua đường tình dục trong CNLĐ”’, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết.

Ngày 30-9-2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2899/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho CNLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) giai đoạn 2024-2030. Thời gian thực hiện Đề án: Từ năm 2024 đến hết năm 2030. Đối tượng thụ hưởng của Đề án là CNLĐ tại các KCN-KCX.

Mục tiêu của đề án là nhằm nâng cao sức khỏe, giảm tình trạng mắc các bệnh về SKSS, sức khỏe tình dục của CNLĐ tại các KCN-KCX, góp phần tăng năng suất lao động cho doanh nghiệp; tăng cường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp tại các KCN-KCX trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về chăm sóc SKSS cho CNLĐ; nâng cao năng lực cho hệ thống y tế trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS phù hợp với điều kiện sinh hoạt và thời gian làm việc của CNLĐ tại các KCN-KCX…

KIM HÀ