Quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân lao động
(BDO) Bên cạnh chăm lo về vật chất, việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) luôn được các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm. Các hoạt động, phong trào các cấp công đoàn thực hiện thời gian qua đã tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích cho CNLĐ; góp phần thực hiện tốt phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ).
Công nhân viên chức lao động TP.Thuận An tham gia thi đấu giải cầu lông do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức
Tạo thêm sân chơi lành mạnh
Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong tỉnh đã được khởi động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Một trong những hoạt động sôi nổi, thu hút hàng ngàn người tham gia được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức gần đây là hội thi “Tiếng hát người lao động” năm 2022. Như chủ đề Ban Tổ chức đưa ra, hội thi đã trở thành “điểm hẹn” sau giờ tan ca của hàng ngàn CNLĐ trên địa bàn tỉnh.
Là một trong những thí sinh tham gia hội thi, chị Nguyễn Kim Hồng đến từ Công ty TNHH Rochdale Spears (TP. Thuận An), cho biết hội thi là một sân chơi rất ý nghĩa. Cùng tham gia tập luyện rồi đi thi, chị Hồng và các đồng nghiệp đã có được những giờ giải trí hết sức vui vẻ, thoải mái sau giờ tan ca, từ đó có thêm năng lượng tích cực để làm việc hiệu quả hơn. Hội thi đã thu hút 55 đơn vị tham gia, với gần 200 tiết mục dự thi cùng trên 5.000 lượt cổ động viên đến xem và cổ vũ.
Nhằm tạo thêm sân chơi văn hóa tinh thần lành mạnh, bổ ích cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh nhà, góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở, cuối tháng 7 vừa qua, LĐLĐ tỉnh tiếp tục tổ chức liên hoan “Tiếng hát cán bộ, công chức, viên chức” năm 2022, với sự tham gia của 16 đội dự thi và hơn 800 lượt thí sinh, cổ động viên. Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh còn tổ chức chương trình “Phúc lợi đoàn viên” với 24 gian hàng, thu hút và phục vụ cho hơn 6.000 lượt đoàn viên, CNLĐ đến tham quan, mua sắm với mức giá “0 đồng” hoặc giảm giá ưu đãi (giảm từ 5 - 50%).
Các cấp công đoàn trong tỉnh cũng quan tâm tổ chức, phối hợp với các đơn vị khác tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa hướng đến đối tượng thụ hưởng là CNLĐ, như: Chương trình “Ngày hội đoàn viên” gắn với “Gian hàng phúc lợi đoàn viên” và các hoạt động văn hóa văn nghệ, hội thao… Các hoạt động đã tạo điều kiện cho hơn 62.000 lượt đoàn viên, CNLĐ được tiếp cận tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết với đặc thù là tỉnh có đông CNLĐ, thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức, phối hợp cùng ngành văn hóa, các đơn vị liên quan tổ chức nhiều phong trào, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thi đua sôi nổi để chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên và người lao động (NLĐ). Mặc dù các hoạt động, phong trào được tổ chức vẫn chưa nhiều, nhưng qua đó đã tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ trong tỉnh, đặc biệt là đối tượng CNLĐ.
Cần quan tâm hơn
Cùng với việc quan tâm tổ chức các hoạt động trên, các cấp công đoàn còn phát huy hiệu quả, khai thác tốt công năng các thiết chế văn hóa (TCVH) nhằm chăm lo tốt đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ. Bà Trân cho biết đến nay LĐLĐ tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thiện 2 TCVH công đoàn. Trong đó, Trung tâm Văn hóa Lao động Bình Dương tại Khu dân cư Việt - Sing (TP. Thuận An) đã đi vào hoạt động, phát huy được hiệu quả về chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 500 doanh nghiệp có bố trí diện tích, không gian để đoàn viên, công nhân có thể tham gia tập luyện thể thao thường xuyên; có khoảng 350 doanh nghiệp có bố trí sân khấu, phòng tập, thiết bị âm thanh, dàn máy để tổ chức và sinh hoạt văn nghệ, karaoke; có khoảng 600 doanh nghiệp sử dụng không gian, cơ sở vật chất kết hợp để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. |
Bên cạnh đó, Trung tâm Văn hóa CNLĐ TX.Bến Cát cũng đã khánh thành, đang chuẩn bị đưa vào hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí cho đoàn viên, CNLĐ trên địa bàn. Ngoài 2 TCVH trên, LĐLĐ tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban chuyên môn của Tổng LĐLĐ Việt Nam và các sở, ban ngành liên quan của tỉnh để tham mưu Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh xem xét bố trí quỹ đất, tiếp tục đầu tư xây dựng các TCVH công đoàn phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí cho CNLĐ tại các địa phương có đông CNLĐ, như huyện Bàu Bàng, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên…
Theo bà Trân, dù đã được quan tâm, nhưng so với số lượng doanh nghiệp cũng như số lượng CNLĐ trong tỉnh, thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị, không gian của các TCVH nói chung trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa phù hợp với điều kiện của một tỉnh có đông CNLĐ. Hơn nữa, cơ chế hoạt động của các thiết chế do Nhà nước và tổ chức công đoàn quản lý vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Các thiết chế do tư nhân đầu tư xây dựng thì CNLĐ không có điều kiện về kinh tế để tiếp cận…
Nhằm tạo điều kiện cho CNLĐ được hưởng thụ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, góp phần thực hiện tốt phong trào TDĐKXDĐSVH trong CNVCLĐ, LĐLĐ tỉnh kiến nghị tỉnh dành thêm quỹ đất, không gian, tạo công viên cây xanh ở các khu dân cư có đông CNLĐ để CNLĐ và con em họ có nơi đến thư giãn, nghỉ ngơi vào buổi tối và trong những ngày nghỉ. Bên cạnh đó, tỉnh cần nghiên cứu tổ chức ngày hội các doanh nghiệp đạt chuẩn “Doanh nghiệp văn hóa” hàng năm gắn với khen thưởng, vinh danh đối với những doanh nghiệp đạt từ 3 năm trở lên. Theo bà Trân, muốn làm được điều đó, cần phải có sự chung tay đắc lực của các ngành, các địa phương và tổ chức công đoàn các cấp. Khi được quan tâm chăm lo, tinh thần của CNLĐ sẽ trở nên thoải mái hơn, họ sẽ có thêm động lực và làm việc cũng năng suất, hiệu quả hơn.
HỒNG THUẬN