Quan tâm chăm lo đời sống nạn nhân chất độc da cam/dioxin
(BDO) Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại những hậu quả nặng nề đối với môi trường và con người. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, trong thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/ dioxin tỉnh cùng các địa phương đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, góp phần chia sẻ, chăm lo đời sống nạn nhân CĐDC/ dioxin trên địa bàn.
Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh tặng quà cho các nạn nhân CĐDC nhân dịp Ngày vì nạn nhân CĐDC Việt Nam 10-8 năm nay
Luôn quan tâm chăm lo
Trao đổi với P.V, ông Trương Bình Long, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, chia sẻ đất nước hòa bình thống nhất đã gần nửa thế kỷ nhưng hậu quả của chiến tranh để lại vẫn tồn tại rất nặng nề. Trong đó, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh dài nhất, có quy mô lớn nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Cuộc chiến tranh hóa học đã gây ra thảm họa khủng khiếp đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam.
Là một tỉnh nằm trong chiến trường miền Đông Nam bộ, Bình Dương có trên 1/4 diện tích đất tự nhiên bị Mỹ rải chất độc hóa học trong những năm 1961- 1971, có 2/3 diện tích bị rải chất độc hóa học từ 5-10 lần. Trên địa bàn tỉnh còn trên 5.000 người bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin, có trên 1.000 người là nạn nhân CĐDC. Hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân da cam ở Việt Nam”, trong gần 10 năm qua, Hội Nạn nhân CĐCD/ dioxin tỉnh đã tập trung và nỗ lực trong xây dựng phát triển hội. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 6/9 Huyện, Thị, Thành hội. 2 địa phương là TX.Tân Uyên và huyện Bàu Bàng đã có sự chuẩn bị cần thiết bước đầu để thành lập hội trong thời gian tới. Thực hiện chức trách của mình, các cấp hội đã nâng cao chất lượng làm tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền quan tâm chăm lo và làm cầu nối những tấm lòng nhân ái của những nhà hảo tâm đến với nạn nhân và gia đình nạn nhân trong tỉnh.
Được sự hướng dẫn của Trung ương Hội, Hội Nạn nhân CĐCD/dioxin tỉnh cũng đã phối hợp cùng với Đoàn Thanh niên, các sở, ngành có liên quan, mà trực tiếp là lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều hoạt động đấu tranh vì công lý, vận động tập hợp nhiều nguồn lực chăm lo cho nạn nhân; đến nay đã thành phong trào hoạt động nhân văn, nhân ái thu hút nhiều người, nhiều tổ chức tham gia chăm lo, giúp đỡ cho gia đình nạn nhân, góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội của tỉnh.
Tính từ đầu nhiệm kỳ III (2018-2023) đến nay, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân với số tiền trên 8 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa 14 căn nhà, đưa 81 nạn nhân đi điều trị bệnh với kinh phí hơn 1 tỷ 350 triệu đồng. Ngoài ra, hội còn duy trì việc chu cấp hàng tháng đối với những hộ đặc biệt khó khăn cùng với các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế. Qua đó, hội đã tặng 5 con bò, 10 xe lăn, xe lắc tay, vận động, khích lệ nạn nhân vượt lên bệnh tật. Đến nay, có hơn 90% gia đình nạn nhân CĐDC có mức sống tốt, không còn hộ đói, số gia đình nghèo cũng giảm dần qua từng năm.
Xoa dịu nỗi đau da cam
Công tác chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân CĐDC/dioxin là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng, xã hội. Trong những năm qua, các chính sách an sinh xã hội, trong đó có hoạt động chăm lo cho nạn nhân CĐDC/dioxin luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm. Các hoạt động đồng hành cùng nạn nhân CĐDC/ dioxin trên địa bàn tỉnh còn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhà hảo tâm.
Bà Đỗ Thị Phượng, một trong những nạn nhân CĐDC ở phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ thời gian qua Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình rất hiệu quả, góp phần chăm lo đời sống gia đình nạn nhân CĐDC để giảm bớt phần nào khó khăn. Riêng bản thân bà đợt này cũng được nhận được một phần quà do Tỉnh hội vận động hỗ trợ. Trước đó, bà còn được Tỉnh hội tổ chức đưa đi chữa bệnh ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân CĐDC và cho biết qua 23 ngày trải nghiệm, sức khỏe của bà cũng như các hội viên đi chữa bệnh lần này đã được cải thiện tốt hơn.
Theo ông Trương Bình Long, khắc phục hậu quả thảm họa da cam là lương tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng và xã hội. Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, ngoài sự nỗ lực của Tỉnh hội, ông đề nghị Hội nạn nhân CĐDC/dioxin các huyện, thị xã, thành phố cần có kế hoạch hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch 997/KH UBND ngày 8-3-2022 của UBND tỉnh về khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các chương trình liên quan khác bằng những chương trình, kế hoạch sát với mục tiêu “Đổi mới, hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân” nhằm giúp đỡ nạn nhân CĐDC vươn lên trong cuộc sống, để mọi gia đình nạn nhân phải có mức sống bằng và hơn mức sống bình quân trong xã hội.
Ông Trương Bình Long cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương cùng các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ hội và nạn nhân CĐDC trong thời gian tới để tiếp tục chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. “Cùng với sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, cần lắm sự hỗ trợ từ những tấm lòng nhân ái nhằm góp phần làm vơi đi nỗi đau da cam, tạo điều kiện để các nạn nhân nỗ lực, phấn đấu vượt qua bệnh tật”, ông Trương Bình Long chia sẻ.
HỒNG THUẬN