Quản lý và chăm sóc tốt người nhiễm HIV/AIDS
(BDO) Từ 15 năm trước, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Giáo đã chỉ đạo UBND huyện thành lập các ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, lãnh đạo huyện cũng thường xuyên củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn xã hội. Nhờ đó, số người nhiễm HIV/ AIDS được chăm sóc, quản lý tốt.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo trao giấy khen cho tập thể Công an huyện có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống ma túy
Phối hợp tốt giữa các cấp
Năm 2005, khi Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới” được ban hành, lúc đó trên địa bàn huyện Phú Giáo mới chỉ có 4 trường hợp nhiễm HIV/AIDS và 11 người tử vong. 15 năm sau, địa phương này có 211 người nhiễm và 70 người tử vong. Trong đó, số người nhiễm HIV/AIDS có cả phụ nữ và trẻ em. Con số về người nhiễm HIV/AIDS tại địa phương này tuy có tăng nhưng so với các địa phương khác, có thể nói huyện Phú Giáo đã làm rất tốt việc quản lý địa bàn, hạn chế tối đa số người nhiễm cũng như tử vong.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Giáo, cho biết: “Có được kết quả trên là nhờ các ngành, các cấp phối hợp tốt. Lãnh đạo huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu cho ban chỉ đạo huyện xây dựng kế hoạch hoạt động, hướng dẫn triển khai kế hoạch đến các xã, thị trấn. Công tác kiểm tra, theo dõi, giám sát tình hình thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư được thực hiện xuyên suốt. Trong quá trình thực hiện lãnh đạo huyện đã rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt hơn”. Theo ông Long, xác định người nhiễm HIV/AIDS có thể lây lan trong cộng đồng bằng nhiều cách. Trong đó, việc các đối tượng hút chích, sử dụng ma túy và tình dục không lành mạnh là 2 con đường dễ lây bệnh. Từ đó, các ngành, các cấp phải làm sao phối hợp tốt để ngăn chặn, loại trừ những nguy cơ lây bệnh; làm tốt công tác phòng chống ma túy và mại dâm xảy ra trên địa bàn. Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện, giúp đỡ những người không may dính vào nghiện hút, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Với người bị nhiễm thì giúp họ đủ thuốc men điều trị định kỳ. Hiện tại thuốc điều trị HIV/AIDS không còn miễn phí như trước, nhưng địa phương đã tạo điều kiện giúp đỡ bằng bảo hiểm y tế.
Thực hiện xuyên suốt chỉ đạo trong việc phòng chống HIV/AIDS, tùy thuộc vào địa bàn mà các xã có cách làm hay, mang lại hiệu quả cao. Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, cho biết: “Là xã có địa bàn rộng lớn, khó quản lý, giáp với tỉnh Bình Phước. UBND xã luôn theo dõi, chỉ đạo công an địa phương kết hợp với các khu, ấp đeo bám, theo dõi những đối tượng bất hảo, nghiện hút. Quản lý tốt các đối tượng này, địa bàn sẽ được yên. Hơn nữa, công tác phối hợp phòng chống tệ nạn, trộm cướp với địa bàn các xã giáp ranh trong và ngoài tỉnh phải thực hiện xuyên suốt. Các đối tượng nghiện hút phải được lập hồ sơ theo dõi cũng như đưa đi cai nghiện. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã có nhiệm vụ giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện vay vốn để họ có việc làm khi hòa nhập”.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Lập, cho biết: “Những năm gần đây, xã Tam Lập được địa phương chú trọng phát triển mạnh về công nghiệp, do đó có nhiều lao động từ các nơi khác đến. Hiện tại, trên địa bàn chưa có người nhiễm HIV/AIDS, nhưng không vì thế mà chủ quan. Từ đầu năm, UBND xã luôn có kế hoạch cụ thể trong việc bảo đảm an ninh trật tự. Qua đó, việc rà soát địa bàn, rà soát đối tượng tạm trú, theo dõi đối tượng bất hảo phải được các ban, ngành trong xã nắm bắt, theo dõi thường xuyên”.
Cùng với tăng cường quản lý địa bàn, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội huyện Phú Giáo thường xuyên tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư phát huy truyền thống “tương thân tương ái” cùng tham gia hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ người nhiễm HIV/ AIDS, nhất là việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đồng thời, chính quyền luôn tạo điều kiện để những người nhiễm bệnh và gia đình thấy rõ trách nhiệm, tự giác và tích cực tham gia các hoạt động phòng chống HIV/ AIDS; khuyến khích các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân tham gia phòng chống HIV/AIDS. Với cách làm đó, địa phương đã huy động được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng dân cư, xã hội tạo điều kiện cho các cá nhân người nhiễm HIV/AIDS và gia đình ổn định kinh tế, chăm sóc, điều trị người bệnh. Ngành y tế huyện thường xuyên phối hợp tham mưu công tác chỉ đạo, hướng dẫn các ban ngành, đoàn thể phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu quốc gia về phòng chống HIV/AIDS. Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng chống HIV/AIDS được triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Từ năm 2005 đến nay, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện Phú Giáo được đặc biệt quan tâm. Các hình thức truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS tại địa phương và tuyên truyền viên cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao được duy trì và triển khai thực hiện thường xuyên. Trong các tháng cao điểm như ngày ban hành Pháp lệnh phòng, chống HIV/AIDS (31-5), Ngày thế giới phòng chống ma túy (26-6), Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12)… các hoạt động truyền thông được tổ chức sôi nổi, phong phú, thu hút được sự quan tâm của người dân tại cộng đồng.
Sau khi có Chỉ thị 54-CT/TW ngày 30-11-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản trên đến cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trên địa bàn huyện. Nhìn chung, việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn huyện kịp thời và nghiêm túc. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS và ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện; 11/11 xã, thị trấn cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS và đưa các mục tiêu, chỉ tiêu phòng chống HIV/AIDS vào tiêu chí xây dựng khu phố, ấp văn hóa, gia đình văn hóa theo các tiêu chí nông thôn mới”. (Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo) |
Các hình thức tuyên truyền đa dạng, như: Phát tờ bướm, treo băng rôn, pano, áp phích, diễu hành, xe tuyên truyền lưu động, xây dựng kịch bản và tổ chức biểu diễn sân khấu hóa, nói chuyện chuyên đề về phòng chống HIV/AIDS... thu hút đông đảo người dân tham gia. Các hoạt động tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, phát thanh, tọa đàm, trao đổi… đã từng bước hướng tới giáo dục chống kỳ thị phân biệt đối xử, làm thay đổi hành vi, nhận thức của mọi người về căn bệnh HIV/AIDS.
Hàng năm, ngành y tế đã phát huy tốt đội ngũ cán bộ chuyên trách HIV/AIDS ở xã, thị trấn trong việc tổ chức triển khai công tác truyền thông. Lực lượng này đã đến từng nhà, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao để làm công tác tư vấn, tuyên truyền, cung cấp thông tin tài liệu về phòng chống HIV/ AIDS. Công tác tuyên truyền, giáo dục cũng được chú ý triển khai thường xuyên trong nhà trường. Các thầy, cô giáo, học sinh là lực lượng đông đảo nhất tham gia tích cực các cuộc thi tìm hiểu về ma túy, mại dâm và các biện pháp phòng chống HIV/AIDS do tỉnh, huyện và nhà trường tổ chức. Ở hầu hết các cấp học đều tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục, như: Nói chuyện dưới cờ, ngoại khóa, tham gia diễu hành, mời các bác sĩ chuyên trách về nói chuyện chuyên đề, tư vấn kiến thức về phòng chống HIV/AIDS và sự nguy hại của tệ nạn ma túy; lồng ghép chương trình phòng chống HIV/AIDS trong nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên để trang bị kiến thức cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp nghề.
Công tác truyền thông về phòng chống HIV/AIDS cũng được lồng ghép thường xuyên vào các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu phố, ấp văn hóa, cơ quan văn hóa. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở từng khu dân cư đã từng bước tạo ra lối sống tốt đẹp cho cá nhân, gia đình; làm cho quan hệ họ hàng, láng giềng, giữa người với người gắn bó tốt hơn…
QUANG TÁM