Quản lý tốt sản xuất để phát triển bền vững
(BDO)
Vừa qua, hơn 100 giáo sư, nhà nghiên cứu hàng đầu của các trường đại học tên tuổi trên thế giới đã đến Bình Dương tham gia Hội thảo toàn cầu về sản xuất bền vững lần thứ 13. Tại hội thảo, nhiều vấn đề Việt Nam cũng như tỉnh Bình Dương đang quan tâm trong quá trình phát triển như: Làm xanh nền sản xuất ở Việt Nam, bền vững trong ngành thời trang, phát triển công nghiệp và đô thị bền vững, các hình mẫu kinh doanh bền vững trong lĩnh vực sản xuất… được đưa ra thảo luận sôi nổi.
Ấn tượng về sự đột phá của Bình Dương
Tại hội thảo này, Ban tổ chức đã dành thời gian tổng kết sự phát triển của Việt Nam trong 10 năm trở lại đây bằng video clip, trong đó dành 1/3 thời lượng giới thiệu về sự đột phá của Bình Dương từ một tỉnh thuần nông phát triển nhanh trở thành tỉnh công nghiệp lớn của cả nước.
Hoạt động sản suất gỗ tại Công ty Kim Thành A (TX.Thuận An). Ảnh: P.HIẾU
Giáo sư - Tiến sĩ Jurgen Mallon, Hiệu trưởng trường Đại học Việt - Đức khá ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của Bình Dương. Ông cho biết, trong vòng 10 năm qua Bình Dương đã thay đổi mạnh mẽ. Nhiều khu công nghiệp ở đây hoạt động rất hiệu quả; bên cạnh đó yếu tố môi trường, điều kiện để phát triển bền vững cũng được chính quyền hết sức quan tâm. Theo đó, hệ thống xử lý nước thải, chất thải được đầu tư bài bản đã hạn chế tối đa những tác động đến môi trường từ các khu công nghiệp.
Giáo sư Chui Chee Kong (trường Đại học Quốc gia Singapore) thì ấn tượng mạnh với những thành tựu mà Bình Dương đã đạt được trong quá trình công nghiệp hóa. Theo Giáo sư Chui Chee Kong, Bình Dương đã chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng làm đòn bẩy cho sự phát triển công nghiệp là bước đi rất khoa học. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ môi trường là gánh nặng mà bất cứ quốc gia nào cũng phải quan tâm, vì mọi sự phát triển đều phải gắn liền với yếu tố bền vững.
Giáo sư Chui Chee Kong cho rằng, trước xu thế toàn cầu hóa, việc chuyển dịch những khu công nghiệp từ nước này sang nước khác là hình thức luân chuyển nguồn ô nhiễm. Đây là vấn đề mà các nước đang phát triển cần quan tâm lưu ý trong việc lựa chọn và định hướng phát triển công nghiệp để xây dựng đất nước.
Cần quản lý tăng trưởng sản xuất chặt chẽ
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 2000, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông sản, hàng hóa sơ chế và các mặt hàng gia công có giá trị thấp như may mặc, giày da. Đến năm 2012, Việt Nam đã có bước thay đổi to lớn khi nhóm hàng xuất khẩu có những sản phẩm giá trị cao như thiết bị di động, điện tử... Tuy nhiên, hàm lượng nhập khẩu của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam còn khá cao và lượng khí thải CO2 chiếm đến 40% từ sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà máy sắt và thép của Việt Nam sử dụng năng lượng nhiều gấp đôi so với các nhà máy sắt và thép trên thế giới để sản xuất cùng một lượng thép, nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ cũ. Trong khi đó, dựa trên các cuộc điều tra của Chính phủ, năm 2010 chỉ có 11% cơ sở công nghiệp của cả nước được sử dụng các kỹ thuật để giảm năng lượng, nhiên liệu và vật liệu.
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, trong quá trình phát triển Bình Dương cũng như các tỉnh, thành khác của Việt Nam sẽ gặp rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Theo đó, nhiều mặt hàng chủ lực của Bình Dương sẽ đứng trước áp lực rất lớn khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia có hiệu lực.
Theo bà Victoria Kwakwa, các FTA tạo cơ hội cho tăng trưởng sản xuất, trong đó lao động trong lĩnh vực sản xuất (dệt may, chế biến thực phẩm, thiết bị điện tử…) và dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính có thể được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng đòi hỏi những nước tham gia cần quản lý tăng trưởng sản xuất một cách chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển bền vững. FTA cũng có thể yêu cầu về môi trường. Chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ có quy định về bảo tồn, khai thác gỗ bất hợp pháp, khai thác hải sản và các loài nguy cấp, cũng như nghĩa vụ thực thi pháp luật trong nước hoặc quy định về buôn bán trái phép động vật hoang dã.
PHÙNG HIẾU