Quản lý, sử dụng hợp lý và hiệu quả đất đai để phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm, ngày 16/11/2017

(BDO) Việt Nam là quốc gia đất hẹp người đông, được cảnh báo là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Cho nên, việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên đất là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.


Bình Dương quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai

Đất đai là tài nguyên thiên nhiên, tài sản quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đối với Việt Nam là một quốc gia đất hẹp người đông, được cảnh báo là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu thì việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên đất là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Trong quá trình đổi mới, ngành Quản lý đất đai đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay tài nguyên đất đai vẫn chưa được quản lý, khai thác hợp lý; sử dụng còn lãng phí và kém hiệu quả; ở nhiều nơi đất đai bị suy thoái, ô nhiễm, phá hoại đến mức báo động… Một trong những nguyên nhân chủ yếu là hệ thống chính sách và pháp luật về đất đai chưa thực sự đồng bộ; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các ngành, các cấp, chưa kết hợp và lồng ghép có hiệu quả với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Vì thế, nhiệm vụ đặt ra là phải xây dựng “Chiến lược phát triển ngành Quản lý đất đai Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển cụ thể được xác lập đối với các lĩnh vực khác nhau trong quản lý đất đai. Cụ thể:

1. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai nhằm giải quyết triệt để một số vấn đề còn bất cập về cơ chế, chính sách đất đai trong các lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tài chính đất đai; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về đất đai; chính sách đất đai đối với đất nông nghiệp, đất giao cho hộ gia đình. Khẳng định và xác định rõ hơn, đầy đủ hơn nội dung quyền sở hữu toàn dân về đất đai; xây dựng cơ sở pháp lý để Nhà nước tham gia thị trường bất động sản với vai trò là đại diện chủ sở hữu.

2. Điều tra cơ bản trong lĩnh vực đất đai, đánh giá tiềm năng và hiệu quả sử dụng đất phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội: Hoàn thiện trình tự, nội dung, phương pháp điều tra đánh giá tài nguyên đất; thực hiện điều tra cơ bản định kỳ trên diện rộng để đánh giá đúng thực trạng đất đai về số lượng, chất lượng, hiện trạng sử dụng, tiềm năng, hiệu quả kinh tế - xã hội của việc sử dụng tài nguyên đất đai phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đánh giá kinh tế đất và xây dựng chiến lược, định hướng phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức điều tra đánh giá các mô hình quản lý, sử dụng đất để đề xuất các giải pháp sử dụng đất hiệu quả, bền vững; điều tra đánh giá hiệu quả đầu tư phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai.

3. Đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất: Hoàn thành cơ bản việc đo đạc, lập bản đồ địa chính dạng số đối với toàn bộ diện tích các loại đất đã sử dụng; hoàn thành việc đăng ký đất đai và cấp giấy chứng nhận ban đầu, xây dựng hồ sơ địa chính cho toàn bộ các thửa đất đã sử dụng; thực hiện tốt việc đăng ký biến động đất đai, chỉnh lý thường xuyên hồ sơ địa chính; triển khai xây dựng hệ thống đăng ký đất đai điện tử. Kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; khuyến khích các loại hình dịch vụ đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo hướng xã hội hóa.

4. Thống kê, kiểm kê đất đai: Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống các chỉ tiêu thống kê đất đai, duy trì thống kê đất đai hàng năm và kiểm kê đất đai định kỳ 5 năm; xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất; điều tra, thống kê chuyên đề. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới đặc biệt là công nghệ thông tin, ảnh viễn thám để nâng cao chất lượng kiểm kê và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

5. Xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất gắn liền với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường: Xây dựng hoàn thiện các phương pháp, nội dung, quy trình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, lồng ghép với các nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng phương pháp dự báo và xác định nhu cầu sử dụng đất, làm cơ sở xây dựng các phương án quy hoạch sử dụng đất; hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm 100% đơn vị hành chính các cấp thực hiện xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

6. Tài chính đất đai và định giá đất: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ công tác định giá đất và xây dựng hệ thống hồ sơ, cơ sở dữ liệu vùng giá trị đất; xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, quy trình kỹ thuật, hệ thống hồ sơ, cơ sở dữ liệu định giá đất; kiện toàn và phát triển hệ thống cơ quan định giá đất của Nhà nước và hệ thống tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất ngoài công lập.

7. Quản lý và phát triển quỹ đất, quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản: Phát triển hệ thống tổ chức phát triển quỹ đất: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, cơ chế huy động vốn; đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, trụ sở làm việc cho các tổ chức phát triển quỹ đất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bảo đảm quỹ đất đủ để thực hiện giao đất, cho thuê đất qua hình thức đấu giá.

8. Phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách pháp luật đất đai: Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về 8 chính sách, pháp luật đất đai bằng nhiều hình thức, có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành, nhiều cơ quan; thiết lập hệ thống cơ quan chuyên trách về phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách, pháp luật đất đai.

9. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật đất đai: Đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ thanh tra đủ về số lượng, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và chấn chỉnh các thiếu sót, sai phạm về chuyên môn trong việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai; nâng cao chất lượng công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo về đất đai, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và công dân, góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

10. Xây dựng hệ thống dữ liệu và hệ thống thông tin lưu trữ về đất đai: Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đất đai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; trước hết xây dựng hệ thống dữ liệu không gian nền địa chính các cấp hành chính và toàn quốc để cập nhật và chỉnh lý các dữ liệu chuyên môn về hiện trạng sử dụng đất các cấp hành chính theo định kỳ kiểm kê đất đai, cung cấp tài liệu cho các hoạt động điều tra cơ bản liên quan tới đất đai; cơ sở dữ liệu vùng giá trị đất phục vụ công tác định giá đất, dự báo biến động về giá đất; cơ sở dữ liệu phục vụ đăng ký giao dịch đất đai trực tuyến. Xây dựng và hoàn thiện chính sách thương mại hóa thông tin đất đai làm cơ sở thực hiện tự chủ tài chính đối với các cơ quan, đơn vị cung cấp thông tin đất đai.

P.V