Quản lý sách điện tử bằng luật - Việc cần làm ngay

Thứ năm, ngày 19/07/2012

Chưa bao giờ việc đọc sách có những thay đổi mạnh mẽ như hiện nay với sự bùng nổ của sách điện tử (ebook). Nhiều nước trên thế giới như Mỹ, lượng người mua, doanh thu từ ebook đã vượt qua sách giấy truyền thống. Tại Việt Nam, ebook cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ nhưng đáng tiếc là cơ sở quản lý để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của ebook vẫn chưa có.

  Cần có luật cụ thể cho việc xuất bản ebook.    Thời cơ lớn

Có thể nói ebook có rất nhiều điểm ưu việt mà sách giấy không thể có được. Một máy đọc ebook khoảng 300g, có thể chứa hàng ngàn, chục ngàn đầu sách, tương đương với cả một thư viện. Người đọc sách không chỉ đọc mà còn có thể nghe lời đọc, xem phim minh họa, tương tác với sách như chỉ cần chạm vào dòng chữ mình thích là có thể đưa lên mạng xã hội, thảo luận trực tiếp với những người đang đọc cùng cuốn sách, tra cứu thông tin trực tiếp ví dụ như đọc đến nhân vật Trần Khát Chân trong tác phẩm Hồ Quý Ly của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, bạn đọc chỉ cần chạm vào là có thể đọc toàn bộ tiểu sử, hình ảnh thậm chí là cả trích đoạn điện ảnh về nhân vật lịch sử này…

Trừ vấn đề thói quen, trở ngại duy nhất đến nay của ebook là phương tiện đọc này còn tương đối đắt tiền trong khi các hãng lớn trên thế giới đang có xu hướng giảm giá tối đa cho các sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng - vốn là những công cụ đọc sách khác. Thậm chí, tại Việt Nam chỉ cần khoảng 1,5 triệu đồng là đã có thể tìm được một máy tính bảng loại vừa. Số tiền này chỉ bằng khoảng 10-15 cuốn sách giấy trong khi có thể chứa hàng ngàn ebook. Với bối cảnh khó khăn kinh tế hiện nay, đây quả là một thời cơ thuận lợi cho sự phát triển ebook.

    Ảnh hưởng nguy hại từ sách điện tử lậu

Mật mã Tây Tạng là một trong những bộ sách được bạn đọc chú ý của Nhã Nam, thế nhưng bộ sách giấy cứ ra đến tập nào là phiên bản ebook của tập đó đã xuất hiện đầy trên mạng, hoàn toàn miễn phí. Cuốn Hai con mèo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng chịu chung số phận, vừa ra mắt sách giấy là ebook lậu đã xuất hiện.

Ông Trần Xuân Phương, Giám đốc Alezaa, nhà bán sách ebook lớn của Việt Nam hiện nay, cho biết: “Việc sử dụng ebook có bản quyền, tức là phải chi trả cho hình thức sách điện tử vẫn chưa quen thuộc với người dân Việt Nam. Rất nhiều người có tư tưởng sẵn sàng bỏ thời gian tìm kiếm, cài đặt… để đọc những bản ebook lậu, có rất nhiều lỗi”.

Cũng theo ông Phương, nguồn phát tán ebook lậu hiện nay chủ yếu là đến từ các website về sách, dù rằng ý tưởng tốt khi muốn chia sẻ kiến thức đến đông đảo bạn đọc trong nước nhưng với cách làm như hiện nay là tự ý thực hiện, sao chép các sách có bản quyền đã làm hại đến không chỉ người làm sách giấy mà cả những người kinh doanh ebook chân chính.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã khẳng định ebook sẽ là tương lai của ngành xuất bản Việt Nam và yêu cầu các đơn vị gấp rút đưa các vấn đề về xuất bản, kinh doanh ebook vào luật. “Nước đã đến chân rồi” là ý kiến chung của tất cả những người quan tâm đến xuất bản hiện nay về vấn đề xuất bản ebook.

Đại diện Thư viện quốc gia Việt Nam còn cảm khái: “Thật ra là hơi chậm rồi đấy, giờ nhảy ngay may ra mới kịp”. Nếu không sớm có những hành lang pháp lý cho ebook thì một loại hình văn hóa đọc tiên tiến, hiện đại sẽ không những không góp phần phát triển văn hóa đọc trong nước mà ngược lại, còn trở thành thiên đường cho sách lậu điện tử tung hoành, phá hoại đến tận nền móng ngành xuất bản trong nước vốn đang ngập trong khó khăn.

Hiện nay, chưa có một văn bản luật cụ thể, quy định chi tiết về định nghĩa, cơ chế bản quyền, xuất bản, phân phối ebook tại Việt Nam. Chính vì thế, dù ebook đang là trào lưu của thế giới thì thị trường ebook Việt Nam chưa phát triển, lại còn thiếu hành lang pháp lý để ngăn chặn sự phát tán tác phẩm tràn lan trên mạng. Điều này tạo nên tâm lý cho người đọc sẵn sàng bỏ thời gian, công sức để tìm, tải và cài đặt sách lậu vào thiết bị đọc. Thậm chí, chính các cửa hàng kinh doanh thiết bị sẵn sàng hỗ trợ họ điều này…

Theo SGGP