Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng: Quản lý bền vững, khai thác tiềm năng
(BDO) Rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng có tổng diện tích 3.652 ha, được quy hoạch là rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu. Đây là khu vực có diện tích rừng tự nhiên còn lại duy nhất của tỉnh Bình Dương với nhiều phong cảnh đẹp đã được phê duyệt quy hoạch trở thành khu rừng du lịch sinh thái nên nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng đất rừng là rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế đối với rừng phòng hộ núi Cậu.
Nhiều tiềm năng du lịch
Rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng có hiện trạng là rừng non tái sinh với nhiều loại cây gỗ lớn như dầu, sến, dên dên, gõ, lim… và nhiều loại cây quý khác có giá trị kinh tế cao, với mật độ dày, được phân bổ với mật độ trên 3.000 cây/ha. Bên cạnh đó, công trình thủy lợi quốc gia hồ Dầu Tiếng với diện tích mặt nước trên 27.000 ha, sức chứa trên 1,5 tỷ m3 nước. Hồ không những có khả năng tưới tiêu cho hàng trăm ngàn ha đất nông nghiệp mà còn là một vùng cảnh quan du lịch thơ mộng, góp phần tạo ra một cảnh quan du lịch sinh thái hấp dẫn mà hàng năm đã thu hút được hàng trăm ngàn lượt du khách hành hương tham quan, du lịch.
Lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng
Khu vực núi Cậu nằm bên hồ Dầu Tiếng có vị trí xung yếu của rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng. Bên cạnh đó, phong cảnh bên rừng, bên hồ hữu tình phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái. Quần thể núi Cậu thuộc xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng với tổng diện tích hơn 1.600 ha, gồm 21 ngọn (7 ngọn lớn và 14 ngọn nhỏ) và ngọn núi có dạng hình chữ U. Ngọn núi cao nhất là núi Cửa Ông cao 295m, núi Ông cao 285m, núi Tha La cao 198m và núi thấp nhất cao 63m là núi Chúa. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài nằm chếch về hướng bắc - đông bắc và nam - tây nam. Đây là di tích danh thắng đẹp hàng đầu của tỉnh Bình Dương, đã được công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh năm 2007, là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du ngoạn về nguồn, về với thiên nhiên.
Quản lý tài nguyên
Với những tiềm năng lớn như vậy nên việc quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng bền vững là hết sức cần thiết nhằm phát huy khả năng phòng hộ của rừng, sử dụng rừng và đất rừng có hiệu quả, đúng mục đích. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng trong toàn khu vực rừng phòng hộ, thường xuyên tổ chức kiểm tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng săn bắn thú rừng, chặt phá, lấn chiếm đất rừng, chuyển đổi cây trồng, khai thác tài nguyên khoáng sản và xây dựng trái phép trong rừng, đặc biệt đầu tư tập trung cao cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng phòng hộ.
Bên cạnh đó, thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2016, Ban Quản lý rừng phòng hộ đã xây dựng kế hoạch phân công trực các ngày trong tuần và trực 24/24 giờ tại các chòi canh lửa rừng vào các ngày cao điểm nắng nóng; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm hạn chế thấp nhất cháy rừng trong mùa khô năm 2016.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng, cho biết nhằm khẳng định nâng cao vai trò, vị trí của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là phân bổ đất đai cho các ngành, lĩnh vực sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh chồng chéo, Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Cậu Dầu Tiếng đã xây dựng phương án sử dụng đất rừng phòng hộ giai đoạn 2016-2020 và định hướng phát triển đến năm 2030. Phương án sử dụng đất rừng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải tạo môi trường sinh thái, do vậy việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng là rất cần thiết.
QUỲNH NHIÊN