Quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở Tân Uyên: Ngày càng chặt chẽ hơn

Thứ năm, ngày 04/07/2013
Tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản cũng như bám sát thực tiễn thực thi từ đề tài, đề án về bảo vệ môi trường..., Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tân Uyên ngày càng quản lý chặt chẽ hơn về lĩnh vực này.

 Từ khoáng sản…

Trước tình hình khai thác khoáng sản trái phép ngày càng phổ biến, từ đầu năm đến nay, Phòng TN&MT huyện Tân Uyên phối hợp cùng các ngành liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Qua kiểm tra phát hiện 18 trường hợp trộm cắp khoáng sản thuộc địa bàn các xã Tân Hiệp, Khánh Bình, Tân Mỹ, Thạnh Phước, Đất Cuốc, Vĩnh Tân và TT.Uyên Hưng. Để lâp lại kỷ cương, phòng đã tham mưu UBND huyện xử phạt vi phạm hành chính và truy thu thuế trên 581 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả theo quy định.    Khai thác khoáng sản tại mỏ đá Thường Tân (Tân Uyên)

Bên cạnh đó, phòng còn phối hợp kiểm tra hoạt động mua bán, vận chuyển và tàng trữ khoáng sản, phát hiện 45 trường hợp vi phạm thuộc địa bàn các xã Khánh Bình, Tân Hiệp, Thạnh Phước, Đất Cuốc, Vĩnh Tân, Tân Mỹ, Tân Thành, TT.Thái Hòa, TT.Uyên Hưng và kịp thời tham mưu UBND huyện ban hành 45 quyết định xử phạt 60,7 triệu đồng, tịch thu 6.767m3 đất sét, 6.859,3m3 cao lanh pha cát, 1.834m3 đất đầu, 1.227m3 cát xây dựng không có nguồn gốc hợp pháp.

Không chỉ kiểm tra hoạt động mua bán, vận chuyển và tàng trữ khoáng sản, thời gian qua, phòng còn tham mưu UBND huyện xây dựng nhiều văn bản quản lý nhà nước về khoáng sản như chỉ thị tăng cường kiểm tra, xử lý hoạt động bơm hút cát không phép trên sông, rạch thuộc địa bàn huyện Tân Uyên và TX.Dĩ An; xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý đối với hoạt động khai thác, bơm hút cát không phép và các phương tiện đường thủy

 có kết cấu đặc thù bơm hút cát trên các sông, rạch thuộc địa bàn giáp ranh giữa huyện Tân Uyên, TX.Dĩ An, TP.Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai); xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý khai thác, bơm hút cát trái phép trên địa bàn huyện phục vụ cuộc họp giao ban định kỳ giữa các đơn vị giáp ranh thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Ngọc Thúy, Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Uyên, cho biết công tác quản lý khoáng sản ở Tân Uyên ngày càng chặt chẽ hơn. Nhờ vậy, số vụ việc vi phạm về khai thác khoáng sản giảm rõ rệt. Theo bà Thúy để tránh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, các cấp, các ngành cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản để nâng cao nhận thức của các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, từ đó huy động được sự tham gia cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản. Muốn vậy, bà Thúy cũng đề nghị UBND tỉnh sớm điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn đến 2020.

...Đến môi trường

Bắt tay thực hiện Kếhoạch bảo vệmôi trường huyện Tân Uyên giai đoạn 2011-2015, Phòng TN&MT huyện Tân Uyên đã phối hợp cùng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) triển khai thực hiện dự án “Đánh giá, dự báo tác động do ô nhiễm bụi khu vực khai thác đá tập trung tại xã Thường Tân, Tân Mỹ và đề xuất giải pháp quản lý”, đến nay khối lượng hoàn thành ước đạt khoảng 70%, dự kiến kết thúc và nghiệm thu dự án vào tháng 8-2013. Song song đó, phòng tiến hành tổ chức kiểm tra kiểm soát ô nhiễm môi trường, tham mưu xử phạt hành chính 61 cơ sở sản xuất gạch (theo công nghệ hoffman) trên địa bàn trị giá 675 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả.

Đối với các vấn đề môi trường nổi cộm, phòng cũng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức thống kê, kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh phế liệu đang hoạt động trên địa bàn; rà soát các nguồn xả nước thải vào lưu vực sông Đồng Nai, đồng thời kiểm tra 50 nhà trọ và phát hiện các nhà trọ chủ yếu phát sinh nước thải vào ban đêm. Trước tình hình này, phòng đã tham mưu UBND huyện chấp thuận cho đoàn kiểm tra tổ chức lấy mẫu nước thải của các hộ kinh doanh nhà trọ ngoài giờ hành chính (từ 17 - 19 giờ).

Để bảo vệ môi trường trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt, bà Thúy cho rằng phòng sẽ tiếp tục thẩm định cam kết bảo vệ môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường, tham gia thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường ở các doanh nghiệp; phối hợp UBND các xã, thị trấn tổ chức lấy mẫu nước thải sinh hoạt của các hộ kinh doanh nhà trọ ngoài giờ hành chính và đôn đốc UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra rà soát tất cả các nguồn thải vào sông Đồng Nai và các kênh, rạch, suối... đổ vào sông Đồng Nai. Có như vậy, công tác quản lý nhà nước về TN&MT mới ngày càng chặt chẽ hơn nữa.

H.ÁI