Quản lý môi trường ở Bình Dương: Ngày càng nâng cao năng lực và hiệu quả
Những năm gần đây, Bình Dương đã hoàn thiện chi tiết hơn 10 văn bản, chỉ thị, quyết định có liên quan về bảo vệ môi trường (BVMT). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này không ngừng phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác quản lý Nhà nước về môi trường (MT).
Quản lý Nhà nước về môi trường ngày càng phát huy hiệu quả
Không chỉ thế, công tác giáo dục, tuyên truyền về BVMT cũng được đẩy mạnh. Việc phối hợp ngành chức năng với các ban ngành, đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng ngày càng đi vào chiều sâu, cụ thể thời gian qua, toàn tỉnh đã tổ chức 41 lớp tập huấn về MT và BVMT cho các hội viên, tuyên truyền viên của các tổ chức hội, đoàn thể, các doanh nghiệp (DN), các cán bộ quản lý MT cấp huyện, xã; tổ chức in ấn hơn 15.000 các tài liệu tuyên truyền về MT và các văn bản pháp luật về BVMT để phổ biến đến các địa phương, các ngành liên quan và các doanh nghiệp; tổ chức thực hiện chuyên mục “Tài nguyên và MT” định kỳ hàng tuần trên báo Bình Dương... Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã đưa tiêu chí BVMT vào tiêu chuẩn gia đình, khu ấp văn hóa, từ đó thực hiện thành công mô hình Tổ tự quản về BVMT. Bên cạnh đó còn rất nhiều loại hình tuyên truyền thông qua các đợt kỷ niệm đã góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác BVMT.
Thiết bị quan trắc online có thể đo được lưu lượng nước thải tại mỗi vị trí giám sát
Đối với BVMT trong sản xuất công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) đã được ủy quyền và phân cấp quản lý MT 6 KCN. Đến nay, 6 KCN này đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật về BVMT, giúp cho công tác quản lý MT ngày càng chặt chẽ và tăng thêm tính chủ động hơn. Thông qua đó, công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành Luật BVMT của các KCN và các DN trên địa bàn luôn thực hiện thường xuyên, liên tục. Tình hình ô nhiễm MT (ONMT) đã kiểm soát và hạn chế được gia tăng ô nhiễm và suy thoái về MT. Hai năm 2009- 2010, tỉnh đã họp Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động MT cho 60 dự án đầu tư; kiểm tra thẩm định Đề án BVMT và phê duyệt cho 39 DN; thẩm định bản cam kết BVMT cho 365 dự án; thanh kiểm tra định kỳ công tác BVMT tại 287 DN; phối hợp với Tổng cục MT kiểm tra công tác BVMT tại 25 KCN và 77 DN trong các KCN trên địa bàn. Song song đó, tiến hành kiểm tra chuyên đề 34 DN, kiểm tra định kỳ 99 DN, thanh tra 62 DN...
Để tăng cường hiệu quả trong công tác kiểm tra, Bình Dương cũng đã thành lập Đoàn Kiểm tra liên ngành đột xuất (Quyết định số 1193/2009/QĐ-UBND). Sau một năm đi vào hoạt động, đoàn đã tiến hành kiểm tra và xử lý 32 DN trên địa bàn; đồng thời tăng cường kiểm soát mức độ tuân thủ các quy định về BVMT trong việc xử lý nước thải của các DN, theo dõi thường xuyên việc xả nước thải đối với các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh góp phần bảo vệ nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn. Từ năm 2007 đến nay, Bình Dương cũng đã thực hiện chương trình quan trắc nước thải công nghiệp tại các cơ sở sản xuất công nghiệp có đặc thù ô nhiễm cao và nguồn thải quy mô lớn (năm 2009: 65 DN, năm 2010: 72 DN)...
Vẫn còn nhiều chuyện phải làm cho năm 2011
Nhờ nâng cao năng lực và hiệu quả về công tác quản lý Nhà nước về MT, Bình Dương từng bước kiểm soát tình hình ô nhiễm, cải thiện chất lượng MT, hạn chế mức độ gia tăng ONMT. Trong số 24 KCN đi vào hoạt động, có 20 khu đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 3 khu đang xây dựng, đạt tỷ lệ 96%. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, đó là chất lượng các thành phần MT chưa được cải thiện rõ rệt, tình trạng ONMT vẫn còn xảy ra ở một số nơi trong vùng phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh; tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở kỹ thuật cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải và chất thải rắn còn thiếu đồng bộ và chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nên góp phần gia tăng mức độ ô nhiễm...
Để phát huy ưu thế sẵn có và khắc phục những hạn chế trong quá trình quản lý MT, năm 2011, Bình Dương tiếp tục đề ra kế hoạch BVMT, trước mắt, hỗ trợ xử lý các điểm gây ONMT bức xúc ở địa phương, cụ thể là tập trung triển khai việc di dời các DN ô nhiễm nghiêm trọng; triển khai các dự án đầu tư liên quan đến việc xử lý các điểm nóng và bức xúc về môi trường tại kênh Ba Bò, suối Siệp, suối Bưng Cù; tổ chức hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất gây ONMT nằm xen lẫn trong khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Kế đó, tiếp tục xây dựng và ban hành một số văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật BVMT, Nghị định 59/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải; tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về BVMT; đầu tư và hoàn thiện hệ thống giám sát tự động nước thải của một số KCN và một số DN có lưu lượng thải lớn; triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai; tăng cường công tác giám sát, hậu kiểm và thanh kiểm tra việc BVMT của các DN và KCN...
Bên cạnh đó, các vấn đề quản lý chất thải, bảo vệ đa dạng sinh học, tăng cường năng lực quản lý MT ngày càng được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức về BVMT trong các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp và an toàn vì sự phát triển nhanh và bền vững của Bình Dương, xứng đáng là một thành phố văn minh, hiện đại trong tương lai gần.
MAI HUY