Quản lý, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà hiệu quả
(BDO) Hỗ trợ F0 tại nhà qua mạng lưới y tế lưu động
Tính đến ngày 16-3, toàn tỉnh có hơn 42.000 người nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà. Hệ thống mạng lưới trạm y tế xã, phường, thị trấn là những đơn vị hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19. Theo thống kê, toàn tỉnh đã bao phủ 162 trạm y tế lưu động tại 91 xã, phường, thị trấn. Các trạm y tế lưu động này có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại cộng đồng; kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện; phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời. Trạm y tế lưu động cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân.
Thành viên Tổ Covid cộng đồng ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng thăm hỏi, phát thuốc cho F0 cách ly, điều trị tại nhà
Chị Nguyễn Thị Hậu, ngụ xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, chia sẻ: “Khi có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, tôi khá lo lắng, sợ lây cho các con. Sau khi được cán bộ ấp thẩm định đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà, tôi được nhân viên trạm y tế lưu động hướng dẫn quy trình yêu cầu đối với người cách ly tại nhà. Hàng ngày, tôi gửi kết quả SP02, thân nhiệt tự đo, các triệu chứng hiện có vào nhóm Zalo quản lý F0 tại nhà của trạm y tế lưu động. Sau 1 tuần cách ly, điều trị nghiêm túc, tôi đã có kết quả âm tính, các con tôi khỏe mạnh, không bị lây nhiễm chéo”.
Tại TP.Dĩ An, việc hỗ trợ F0 điều trị tại nhà không chỉ qua mạng lưới y tế lưu động mà còn có sự giúp sức của tổ Covid cộng đồng. Toàn thành phố đang hỗ trợ chăm sóc, điều trị tại nhà cho hơn 10.500 F0. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết để tăng cường hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, thành phố tận dụng nguồn nhân lực tổ Covid cộng đồng. Mỗi tổ chăm sóc từ 10 đến 20 F0 trong cộng đồng và làm các công việc phòng, chống dịch bệnh khác. Hoạt động chăm sóc F0 của tổ Covid cộng đồng là giải pháp phù hợp, giúp giảm tải công việc cho nhân viên y tế khi y tế tuyến cơ sở hiện nay đang quá tải và phải bổ sung thêm nhân lực cho ngành y tế. Ngoài ra, các thành viên trong tổ là những cán bộ khu phố am hiểu địa bàn nên giúp việc giám sát F0 chặt chẽ và bản thân F0 cũng yên tâm hơn khi điều trị tại nhà.
Bác sĩ CKI Mai Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng, cho biết địa phương đang áp dụng mô hình quản lý 3 cấp trong điều trị F0 tại nhà qua ứng dụng các thiết bị thông minh. Khi phát hiện một trường hợp dương tính, trạm y tế xã, thị trấn sẽ báo cho trạm y tế lưu động. Trạm y tế lưu động sẽ phân công nhiệm vụ cho các thành viên của trạm, phối hợp với tổ Covid cộng đồng đến nhà F0 kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ điều trị. Thông qua mô hình này, cán bộ y tế của trạm y tế lưu động cũng như tổ Covid cộng đồng nắm được thông tin người bệnh nhiễm bệnh vào ngày nào để theo dõi và có quy trình quản lý phù hợp. Mỗi ngày, các thành viên của trạm sẽ nhắn tin lên nhóm Zalo điều trị F0 2 lần (sáng và chiều) để thăm hỏi sức khỏe các F0 tại nhà, kịp thời phát hiện những trường hợp trở nặng.
F0 đang cách ly, điều trị không được ra khỏi nhà
Đây là nội dung Quyết định 616 của Bộ Y tế đính chính Quyết định 604 về “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19”. Theo đó, quyết định nêu rõ người mắc Covid-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly, F0 phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà.
Liên quan đến quy định quản lý F0 tại nhà, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết thực tế hiện nay nhiều F0 không biết mình mắc Covid-19 do không có triệu chứng nên vẫn đi làm, đi ăn uống, mua sắm bình thường. Thậm chí có trường hợp đã test nhanh dương tính nhưng chủ quan lơ là trong phòng, chống dịch bệnh khi mắc bệnh vẫn tự ý ra khỏi nhà. Nhiều F0 không có người chăm sóc, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn đi ra ngoài. Nhiều người chủ quan cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin, chỉ mắc bệnh nhẹ nếu nhiễm nên không khai báo y tế mà tự điều trị dẫn đến tình trạng bệnh chuyển nặng. Vấn đề này đặt ra cho chính quyền địa phương cần có sự quản lý chặt chẽ, nhắc nhở, tuyên truyền người dân không chủ quan, lơ là phòng bệnh, tuân thủ nghiêm các quy định trong cách ly, điều trị tại nhà.
Qua khảo sát ý kiến, một số người dân cho rằng hiện nay Bình Dương đã tiêm phủ vắc xin với tỷ lệ khá cao, rất nhiều người đã trở thành F0, có những gia đình có đến 4 - 5 người là F0, trong khi y tế quá tải; các F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nếu ở trong nhà thì sẽ không thể mua lương thực, thực phẩm hỗ trợ dinh dưỡng F0 phục hồi. Vì vậy, ngành y tế nên có hướng dẫn linh hoạt để tạo điều kiện cho F0 nhanh chóng hồi phục, bảo đảm công việc cũng như bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.
HOÀNG LINH