Quản lý bền vững, nâng cao chất lượng đô thị
(BDO) Đô thị ngày càng hiện đại
Quá trình đô thị hóa đã tác động đến nhiều lĩnh vực xã hội, thay đổi về cơ cấu sử dụng đất, cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đến nay, Bình Dương có 1 đô thị loại I (TP.Thủ Dầu Một), 4 đô thị loại III (thành phố: Thuận An, Dĩ An; thị xã: Bến Cát, Tân Uyên), 5 đô thị loại V thuộc huyện (các thị trấn: Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành, Tân Bình). Tuy nhiên, việc nâng cấp đô thị theo tốc độ đô thị hóa khá nhanh đã khiến chính quyền địa phương không theo kịp về số lượng công chức, trình độ và năng lực quản lý. Nguồn lực đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị của tỉnh.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Trong quản lý phát triển đô thị, tỉnh đã chủ động phê duyệt các loại quy hoạch xây dựng, các chương trình phát triển đô thị của tỉnh cũng như các đô thị trực thuộc. Với tốc độ đô thị hóa khá nhanh cùng với sự gia tăng dân số nhanh đã ảnh hưởng đến khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, đặc biệt là khó khăn trong tạo lập quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giáo dục, y tế, văn hóa”.
Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương hướng đến trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo. Trong ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương
Trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cũng còn bất cập, hạn chế. Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư đối với các khu đô thị, đặc biệt các khu đô thị có quy mô lớn còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng do Trung ương đầu tư còn hạn chế và chậm triển khai, nhất là hạ tầng giao thông cả trên đường bộ, đường sắt. Hạ tầng kỹ thuật đô thị ở phía Bắc và phía Nam của tỉnh chưa đồng bộ.
Lý giải về nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Bình Dương là tỉnh có tốc độ đô thị hóa khá nhanh nhưng biên chế công chức trong các cơ quan chức năng quản lý đô thị rất ít so với nhu cầu và nhiệm vụ quản lý. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, các địa phương có lúc có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, bộ máy quản lý nhà nước về công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng hoạt động chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều khâu trung gian từ cấp xã đến cấp huyện dẫn đến tình trạng quản lý thiếu tập trung, chưa thống nhất. Ngoài ra, việc đầu tư các công trình trọng điểm, công tác giải tỏa, đền bù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên một số dự án chậm tiến độ”.
Nâng cao chất lượng quy hoạch
Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo; đến năm 2045, Bình Dương là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Cụ thể, thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, đầu tư, quy hoạch, kiến trúc, kinh doanh bất động sản, nhà ở…; khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ lập, rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch đô thị, nông thôn và khu chức năng theo yêu cầu phát triển để quản lý, thu hút đầu tư thực hiện theo quy hoạch.
Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “Để hoàn thành các mục tiêu trên, tỉnh sẽ chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển bền vững; nâng cao chất lượng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ thống dữ liệu về quy hoạch phát triển đô thị; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị”.
PHƯƠNG LÊ - HÀ KHÁNH