“Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”
Trải qua 74 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng; làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ quốc tế, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
(BDO)
Nhà bia nơi ghi dấu sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam tại rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: THÀNH SƠN
Từ truyền thống “Ra quân đánh thắng trận đầu”
Ngày 22-12-1944, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (ĐVNTTGPQ), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta. Ngày 22-12 đã đi vào lịch sử vẻ vang dân tộc, trở thành Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày hội truyền thống của đất nước.
Khi mới thành lập, ĐVNTTGPQ chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ nhưng đã sớm phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc. Ngay từ lần đầu ra quân, đội quân chính quy đầu tiên của Việt Nam đã lập nên những chiến công vang dội, giải phóng những khu vực rộng lớn làm căn cứ cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập, mở đầu truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này. Chỉ 3 ngày sau khi được thành lập, ĐVNTTGPQ đã đánh thắng trận đầu tiên, diệt đồn Phai Khắt (25- 12-1944). Đồn này có gần 20 binh lính do một đồn trưởng người Pháp chỉ huy. Sau khi biết đồn trưởng Simônô lên châu lỵ Nguyên Bình, các đội viên ĐVNTTGPQ đã đóng giả lính khố xanh, bất ngờ tập kích, bắt sống 17 lính và một viên cai. Viên đồn trưởng người Pháp từ Nguyên Bình bất ngờ trở về bị chiến sĩ ta tiêu diệt. Trận đánh chỉ diễn ra trong vòng mươi phút. Tiếp đó, trận Nà Ngần diễn ra lúc sáng sớm ngày 26-12. Đồn Nà Ngần cách Phai Khắt khoảng 25km, địa thế hiểm trở, có 22 lính khố đỏ do hai sĩ quan Pháp chỉ huy. Bộ đội ta lấy trang phục của địch mới thu được từ trận Phai Khắt, cải trang làm lính dõng và lính tập “áp giải 3 cộng sản người Mán” đến giao nộp cho quan đồn. Địch mắc mưu, ta nhanh chóng làm chủ đồn, tiêu diệt 5 tên, bắt sống số còn lại, thu nhiều chiến lợi phẩm. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần là biểu tượng sinh động của ý chí quyết chiến quyết thắng, của nghệ thuật quân sự Việt Nam ngay từ buổi đầu còn non trẻ của quân đội cách mạng.
Ngày 15-5-1945, ĐVNTTGPQ sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ yếu của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945; lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc ta.
9 năm làm một Điện Biên
Thời gian từ năm 1945-1954 là thời kỳ phát triển vượt bậc cả về số lượng và khả năng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chỉ một thời gian ngắn, từ khi đất nước giành được độc lập đến tháng 11-1945, Giải phóng quân đã phát triển từ một đội quân nhỏ trở thành Quân đội Quốc gia Việt Nam với quân số khoảng 50.000 người, tổ chức thành 40 chi đội. Năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng thời gian này, các đại đoàn (đơn vị tương đương sư đoàn) chủ lực quan trọng như các đại đoàn 308, 304, 312, 320, 316, 325, 351 lần lượt được thành lập, đến nay vẫn là những đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Văn bia khắc Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ảnh: T.SƠN
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội ta đã quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; từ đánh nhỏ lên đánh lớn, từ đánh du kích lên đánh chính quy, từ tiến công chiến thuật lên tiến công chiến dịch, tiến công và phản công chiến lược, càng đánh càng mạnh, lập nên những chiến công vang dội. Trải qua 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, quân đội ta đã làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” và sau đó là “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, khoét sâu thế yếu của địch, làm cho địch càng đánh càng lâm vào thế bị động, càng đánh càng thua. Với thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953- 1954, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, quân và dân ta đã buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ. Lần đầu tiên trong lịch sử đương đại, một quân đội trang bị thô sơ đã đánh bại đội quân nhà nghề của một cường quốc thực dân.
Viết nên thiên anh hùng ca mùa xuân 1975
Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Nhân dân Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của quân đội thời kỳ này là vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 15-2-1961, Quân Giải phóng miền Nam, lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc. Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, lập nên những kỳ tích mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972. Quân đội ta với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đã cùng toàn Đảng, toàn dân không quản gian khổ, hy sinh, liên tiếp đánh bại các chiến lược chiến tranh phản cách mạng của đế quốc Mỹ: Chiến lược “Phản ứng linh hoạt” của Eisenhower; chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Kennedy; chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Johnson; chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Nixon. Với những chiến thắng vang dội, quân đội ta càng đánh càng lớn mạnh, tiến công Mỹ - ngụy, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình ở Paris (Pháp).
Tiếp đó, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đầy hy sinh, gian khổ, nhưng cũng rất hào hùng, oanh liệt. Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX...
Trong giai đoạn cách mạng mới, bản chất tốt đẹp và truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến và chiến tranh vệ quốc tiếp tục tỏa sáng trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, quân đội ta đã tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp, Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ mãi là quân đội “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” mà nhân dân và cả dân tộc đã ghi nhận, tôn vinh.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam vừa mới kết thúc thì chế độ diệt chủng do Pônpốt cầm đầu ở Campuchia đã kích động hận thù dân tộc, tiến hành chiến tranh xâm lấn ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Chúng gây ra nhiều cuộc thảm sát man rợ với nhân dân Việt Nam sống dọc biên giới, đồng thời thực hiện chính sách diệt chủng đối với nhân dân Campuchia. Đứng trước yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, ngày 23-12-1978 Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược, đập tan cuộc tiến công của quân đội Pônpốt. Sau đó, đáp ứng lời kêu gọi khẩn thiết của nhân dân và Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với các lực lượng vũ trang Campuchia, đánh tan 21 sư đoàn quân Pônpốt, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn bạo.
P.V (tổng hợp)