Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng – Bài 9

Thứ bảy, ngày 21/12/2019

(BDO) Bài 9: Phát huy truyền thống, lập thêm những chiến công

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đầy cam go, ác liệt, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã bám đất, bám làng với tinh thần đi đầu, quả cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc để góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Hôm nay, Bình Dương tiếp tục là địa bàn trọng điểm trong xây dựng và phát triển đất nước, LLVT tỉnh lại ra sức thi đua lập chiến công mới để bảo vệ và phát huy những thành quả ấy.


Hàng năm vào dịp 30-4, các cựu chiến binh Trung đoàn 27 đều vượt hàng ngàn cây số từ mọi miền của Tổ quốc về nhà má Sáu Ngẫu để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và dâng hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu

Vùng đất gian lao mà anh dũng

Bình Dương có một vị trí chiến lược quan trọng, một vùng đệm không thể thay thế nằm trên hành lang nối Sài Gòn với các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Tây Nam bộ. Điều này lý giải vì sao khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ 2 thì Thủ Dầu Một - Bình Dương ngay lập tức trở thành nơi đứng chân của các đơn vị vũ trang, của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của Nam bộ, Khu 7 và Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhiều chiến dịch lớn ở Chiến khu Đ, Chiến khu An Thành- Long Nguyên... đã làm thay đổi cục diện chiến trường. Và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, đây là một hướng tiến công quan trọng của Quân giải phóng miền Nam.

Với địa bàn chiến lược đó, ngay từ những năm 1930, Thủ Dầu Một - Bình Dương đã có những đội tự vệ. Năm 1940 có những đội quân du kích. Và, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, lực lượng Thanh niên tiền phong cũng được thành lập. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhằm đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới, Chi đội 1 - Giải phóng quân Nam bộ được thành lập. Đây là đơn vị vũ trang cấp chi đội đầu tiên trong hệ thống Vệ quốc đoàn Khu 7 và Nam bộ.

Với tinh thần “Độc lập hay là chết!”, chỉ bằng vũ khí thô sơ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, các LLVT Thủ Dầu Một đã kiên cường chống chọi với đại bác, tàu đồng của quân đội nhà nghề Pháp, góp phần kìm chân quân địch tại thành phố Sài Gòn, ngăn chặn bước chân xâm lược của kẻ thù trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho nhân dân các địa phương chuẩn bị mọi mặt để kháng chiến.

Trong ngôi nhà tình nghĩa ở đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), có một người phụ nữ năm nay đã 91 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, đó là bà Tám Trầu, một trong số ít người đã tham gia hai trận chiến thần thánh của dân tộc đang còn sống. Tuổi xế chiều, bà Tám Trầu sống với những ký ức xa xưa. Quệt miếng trầu, bà Tám Trầu trầm ngâm, bắt đầu kể với chúng tôi một câu chuyện dài...

Cha của bà Tám Trầu là ông Phạm Văn Tới, xuất thân trong một gia đình địa chủ đã là cơ sở cách mạng từ những ngày mới thành lập Đảng năm 1930. Ngày ấy, căn nhà của cha mẹ bà là nơi tụ họp của nhiều trí thức. Vì vậy, ngay từ thuở nhỏ, bà Tám Trầu đã biết đến tổ chức Đảng, Bác Hồ, biết đến việc làm cách mạng. Đầu năm 1940, cả Nam bộ rạo rực không khí chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, cũng là lúc bà Tám Trầu chính thức nhận nhiệm vụ giao liên, đưa thư từ xã An Tây (vùng Tây Nam - Bến Cát ngày ấy) sang xã Phú Hòa Đông (Củ Chi). Đến giữa năm 1945, để chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, phong trào Thanh niên tiền phong ở tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập và phát triển mạnh, bà Tám Trầu cũng tích cực tham gia. Bà kể: “Với vũ khí thô sơ như gươm, mã tấu, gậy tầm vông, các đơn vị tự vệ, thanh niên cứu quốc, thanh niên tiền phong trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt trong việc giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám”.

Đại tá Ao Tấn Tài, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, LLVT cùng với nhân dân trong tỉnh đã anh dũng, kiên cường, vừa chiến đấu vừa xây dựng ngày càng lớn mạnh, phá vỡ thế kìm, kẹp của kẻ thù, tổ chức hàng trăm trận đánh lớn nhỏ. Những chiến thắng vang dội như: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bến Cát, Bông Trang - Lò Gạch... đã đi vào lịch sử, tiêu diệt hàng vạn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh góp phần to lớn, quan trọng vào chiến thắng chung của cả dân tộc.

Và hẳn nhiều người còn nhớ, trong thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975, nếu không có tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn và những thông tin má Sáu Ngẫu (tên thật là Huỳnh Thị Sáu) ở TX.Thuận An cung cấp kịp thời thì có lẽ lịch sử anh hùng của Trung đoàn 27 (còn gọi là Trung đoàn Triệu Hải, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1) cũng đã khác. Bởi, giữa lúc bộ đội đang hành quân theo hướng cầu Bình Nhâm, thì má Sáu Ngẫu cương quyết nói rằng: “Các con phải nhanh chóng thoát khỏi Chợ Búng, quay ra quốc lộ 13, không được đi đường Lái Thiêu, vì cầu Bình Nhâm đã bị địch đánh sập”. Công lao của má Sáu đối với thông tin này là cực kỳ to lớn. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 nói: “Hàng năm vào dịp 30- 4, các cựu chiến binh Trung đoàn 27 đều vượt hàng ngàn cây số từ mọi miền của Tổ quốc về nhà má Sáu Ngẫu để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa và dâng hương tưởng nhớ má Sáu Ngẫu, bà má miền Nam có công với nước và với Trung đoàn. Nhờ có tấm bản đồ Đô thành Sài Gòn cùng những chỉ dẫn tường tận của má Sáu đã giúp đơn vị tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh”...

Lập chiến công mới

Phát huy truyền thống vẻ vang trong 75 năm qua, cùng với LLVT cả nước, LLVT Bình Dương đang tiếp tục lập nên những chiến công. Việc kiện toàn và tinh nhuệ hóa LLVT, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tổ chức huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện... được các cấp, các đơn vị LLVT tỉnh nghiên cứu vận dụng và phát triển trong điều kiện lịch sử mới.

Đại tá Ao Tấn Tài, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cho biết, thời gian qua LLVT tỉnh được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở. Lực lượng dự bị động viên được xây dựng theo hướng vững mạnh, bảo đảm chất lượng chính trị và độ tin cậy cao. Hiện nay, khảnăng huy động dân quân khi làm nhiệm vụđạt trên 75%, riêng dân quân thường trực đạt 100%. LLVT tỉnh chú trọng tăng cường lực lượng ở các địa bàn trọng điểm, đã xây dựng và hoạt động 4 chốt dân quân thường trực trong khu công nghiệp, 39 đội tự vệ trong doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và 1.498 quân nhân dự bị là lực lượng chính trị nòng cốt đang làm việc trong nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn.

Thời gian tới, LLVT tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, xây dựng nề nếp chính quy nhằm không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm đối phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống xảy ra. Các đơn vị bộ đội chủ động phối hợp với địa phương và các lực lượng cùng đứng chân trên địa bàn để tham gia xây dựng khu vực phòng thủ địa phương vững chắc; kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; xây dựng lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với lực lượng thế trận an ninh nhân dân; tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân; đồng thời giải quyết tốt các vấn đề chính sách cán bộ, chính sách hậu phương để cán bộ, chiến sĩ yên tâm phục vụ, để động viên toàn dân tích cực tham gia xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc. LLVT tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống “Trung dũng, kiên cường - Chủ động, sáng tạo - Đoàn kết, quyết thắng”, thi đua lập nên những chiến công mới...

Thời gian tới, LLVT tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện, xây dựng nề nếp chính quy nhằm không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm đối phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống xảy ra.

THU THẢO