Quân đội Afghanistan đã chuyển sang 'trạng thái tấn công'
(BDO)
Lực lượng an ninh Afghanistan. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 12/5 cho biết ông đã ra lệnh cho quân đội chuyển sang "trạng thái tấn công" từ quan điểm phòng vệ hiện nay như một phần trong nỗ lực giảm bạo lực của chính quyền Kabul.
Tuyên bố trên Tổng thống Ghani được đưa ra trong phát biểu trên truyền hình nhằm phản ứng trước hai vụ tấn công xảy ra trước đó cùng ngày khiến hàng chục người thiệt mạng.
Tổng thống Afghanistan đã kịch liệt lên án những vụ tấn công khủng bố mà theo ông là do lực lượng Taliban và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành.
Theo đó, ông yêu cầu lực lượng an ninh kết thúc "trạng thái phòng thủ chủ động" và nối lại chiến dịch tấn công phần tử khủng bố.
Trước đó, ít nhất 16 người, gồm cả trẻ sơ sinh và nhân viên y tế, đã thiệt mạng khi các tay súng tấn công một bệnh viện phụ sản ở thủ đô Kabul.
Không lâu sau đó, một vụ đánh bom tự sát đã xảy ra tại một lễ tang ở miền Đông Afghanistan khiến hơn 20 người thiệt mạng.
Theo AFP, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày 12/5 đã thừa nhận gây ra vụ tấn công liều chết tại đám tang một chỉ huy cảnh sát ở tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan, khiến 24 người thiệt mạng và 68 người bị thương.
Trong tuyên bố đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram, IS cho biết phần tử thánh chiến Hồi giáo Abdallah al-Ansari đã đánh trúng các lực lượng an ninh Afghanistan và dân quân đồng minh tại Nangarhar, gây thương vong cho 100 người "không có niềm tin tôn giáo".
Tuy nhiên, IS không đề cập tới một vụ tấn công khác xảy ra cùng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Kabul, khiến 14 người thiệt mạng, trong đó có các y tá và trẻ sơ sinh.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban hợp tác. Dù khẳng định những vụ tấn công trên là "kinh hoàng," song Ngoại trưởng Pompeo lưu ý Taliban đã bác bỏ trách nhiệm liên quan.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Mỹ, trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng Taliban và chính phủ Afghanistan cần hợp tác để đưa thủ phạm ra công lý."
Ông khẳng định chừng nào việc giảm bạo lực chưa được duy trì và không đạt được những tiến triển đáng kể hướng tới một giải pháp đàm phán chính trị, Afghanisan sẽ vẫn có thể bị khủng bố gây tổn hại.
Bạo lực tại Afghanistan vẫn gia tăng sau khi Mỹ và Taliban ký thỏa thuận hôm 29/2 về việc lực lượng nước ngoài do Mỹ đứng đầu rút khỏi Afghanistan, đổi lấy việc bảo đảm an ninh từ Taliban.
Thỏa thuận bao gồm cam kết của lực lượng Taliban và chính phủ Afghanistan hướng đến một nền hòa bình tại quốc gia Trung Nam Á.
Báo cáo mới đây của Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) cho biết, các cuộc xung đột diễn ra trong 3 tháng đầu năm nay tại Afghanistan đã khiến gần 1.300 dân thường thương vong, trong đó có 152 trẻ em và 60 phụ nữ. Số dân thường thiệt mạng tăng 20% so với 3 tháng đầu năm 2019./.
Theo TTXVN