Quân dân thị xã Thủ Dầu Một chuẩn bị các hoạt động Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975
(BDO) Cùng với khí thế sôi nổi của quân và dân toàn miền Nam và tỉnh Thủ Dầu Một trong những ngày tiến tới chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, quân dân thị xã Thủ Dầu Một bao gồm cả trong nội ô đã tiến hành các hoạt động trước những thời cơ giải phóng miền Nam ngày càng đến gần.
Tin chiến thắng từ các nơi đưa về dồn dập, thôi thúc phong trào quần chúng phát triển mạnh. Đảng bộ Châu Thành, thị xã Thủ Dầu Một nhanh chóng củng cố lại tổ chức Đảng, đoàn thể, mặt trận và chính quyền. Phần lớn các xã đều có chi bộ với hàng chục đảng viên trung kiên, hàng trăm cơ sở cách mạng và hội viên; đặc biệt, lực lượng vũ trang được Đảng bộ chú ý xây dựng. Đến cuối tháng 3-1975, đội vũ trang thị xã có 31 chiến sĩ, du kích ấp có 584 đồng chí. Mỗi xã có ít nhất là 2 tiểu đội du kích, riêng xã Phú Hòa có 60 đồng chí; du kích ấp của Định Hòa có 130 chiến sĩ, đây là một trong những đơn vị mạnh của huyện Châu Thành.
Tình hình chuyển biến nhanh đòi hỏi có sự chỉ đạo trực tiếp và kịp thời của cấp ủy ngay trong vùng trọng yếu. Thị ủy Thủ Dầu Một quyết định dời căn cứ vào sát nội ô thị xã để lãnh đạo phong trào. Từ tháng 3-1975, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng diễn ra công khai, mạnh mẽ, làm rã từng mảng hệ thống kìm kẹp của địch.
Sau Hội nghị của Tỉnh ủy đầu tháng 4-1975 quán triệt phương châm “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh” và phương án tác chiến bí mật, thần tốc, bất ngờ; chủ động chuẩn bị lực lượng, đón lấy thời cơ giải phóng địa phương mình, đồng chí Huỳnh Văn Tấn, Bí thư Thị ủy Thủ Dầu Một triển khai kế hoạch, chuẩn bị lực lượng chiến đấu và sắp xếp, bố trí, phân công chờ lệnh hành động. Lúc này, trên khắp các chiến trường, ta đều giành được thắng lợi. Cũng như các nơi khác, ngụy quyền tỉnh Bình Dương cố án ngữ cửa ngỏ phía Bắc Sài Gòn. Tại thị xã Thủ Dầu Một, chúng lập phòng tuyến phòng thủ bằng hệ thống mìn chống tăng, hầm hào, chốt cụm khắp các ngả đường để ngăn chặn ta tấn công vào trung tâm tỉnh lỵ. Vùng phụ cận bên ngoài, chúng bố trí liên đoàn biệt động số 33 để bảo vệ thị xã.
Khắp nơi nhân dân khẩn trương xay lúa, mua gạo dự trữ và cất giấu để khi vào chiến dịch kịp thời cung cấp cho bộ đội, du kích. Binh lính địch tuy còn rất đông nhưng phần lớn đều suy sụp ý chí chiến đấu, sợ chết, chỉ lo cố thủ trong đồn bót. Tại thị xã Thủ Dầu Một, Đảng bộ ráo riết chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Thị ủy chủ trương đưa lực lượng áp sát nội ô phát động nhân dân nổi dậy khi thời cơ đến. Lương thực, thực phẩm, vũ khí được chuẩn bị vận chuyển và cất giấu ở nhiều nơi.
Mạng lưới cơ sở, nhất là đoàn thanh niên, hội phụ nữ với những đoàn viên, hội viên tích cực như chị Út Giấy, chị Tư Ngọt (Chánh Lộc), chị Út Hưng, chị Một, chị Mười Nhung (Tân An), chị Bảy An, Năm Đào (Phú Cường), chị Hồng, Tốt ở Phú Hòa… vận động chị em mua vải và may cờ giải phóng, mua thực phẩm, thuốc men theo chỉ tiêu trên giao, bảo đảm sử dụng từ 1 - 2 tháng. Các tổ chức ở thị xã Thủ Dầu Một cũng như huyện Châu Thành được học tập chỉ thị khởi nghĩa của tỉnh. Các công việc như dán khẩu hiệu, vận động nhân dân ủng hộ lương thực, tiền bạc cho cách mạng và vận động binh lính địch đầu hàng diễn ra âm thầm nhưng rất khẩn trương. Các đơn vị vũ trang tăng cường và bộ đội địa phương tập kết ở các điểm xuất quân thường xuyên liên lạc với cơ sở trong nội ô để nắm mọi diễn biến tình hình địch, sẵn sàng xuất phát tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu đã được phân công.
Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam mỗi lúc càng đến gần. Trên các mặt trận đang diễn ra đều hướng về Sài Gòn với tinh thần: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” để giành lấy thắng lợi cuối cùng. (Còn tiếp)
HÀ THĂNG
(Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ngày 4-4-1975: Quân ủy Trung ương chỉ thị giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa
Ngày 4-4-1975, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân nhanh chóng vượt biển tiến công giải phóng các đảo do quân ngụy miền Nam chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa trên lãnh thổ Việt Nam. Chỉ thị nhấn mạnh: Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng.
Chiến sĩ Đoàn Đặc công 126 giải phóng đảo Song Tử Tây (ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quân đội)
Được lệnh, Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân đã cấp tốc triển khai kế hoạch tác chiến. Lực lượng tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa gồm Đội 1 Đoàn 126 đặc công, một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471 Quân khu 5, các tàu vận tải 673, 674, 675 của Đoàn 125 dưới sự chỉ huy của đồng chí Mai Năng (Đoàn trưởng Đoàn 126). Theo phương án tác chiến, mục tiêu là các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa; phương châm tác chiến là: Bí mật, bất ngờ tiến công.
VH