Quán ăn dưới đường điện cao thế

Thứ ba, ngày 12/04/2016

Ngoài việc người dân tiến hành họp chợ dưới đường điện cao thế như báo Bình Dương phản ánh trong số báo ngày 11-4, trong quá trình thực tế, P.V đã ghi nhận thực trạng nhiều hàng quán bày bán ngay dưới đường điện cao thế. Cụ thể, nằm dưới đường điện cao thế dẫn vào trạm biến áp Thuận An là quán ăn H&H (phường Bình Hòa, TX.Thuận An) đã tồn tại trong nhiều năm qua, bất chấp nguy hiểm cho thực khách cũng như nhân viên của quán.

(BDO)

 Quán ăn tồn tại bên dưới đường điện cao thế 220kV vào trạm biến áp Thuận An từ nhiều năm qua, thực khách vô tư ăn uống bất chấp những nguy cơ gây mất an toàn sức khỏe, tính mạng

 Bị “kiến cắn” khi ngồi dưới đường điện cao thế

Quán H&H có diện tích rộng cả ngàn mét vuông, dọc hai bên quán ngay bên dưới đường điện cao thế được xây dựng dãy nhà tạm, nhà để xe đều lợp bằng mái tôn. Theo quan sát bằng mắt thường thì rõ ràng việc xây dựng tại đây đã vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao thế, theo quy định tối thiểu là 5,5m đối với lưới điện 220kV.

Vào quán ngồi chưa được 15 phút chúng tôi bắt đầu có những “trải nghiệm” với tác động khác lạ trên da thịt. Ai cũng có cảm giác như bị “kiến cắn” hay những vết chích lên vành tai, khắp bề mặt da trên cơ thể. Đến sau chúng tôi ít phút, ngồi ở bàn kế bên là nhóm công nhân vừa tan ca cũng cho biết đều có cảm giác giống như chúng tôi. Thỉnh thoảng nhóm công nhân lại rôm rả nói đùa “Có khi nào điện phóng xuống hay đứt dây không, khi đó mình sẽ ra sao…?”. Anh Nguyễn Thanh Tùng, một thực khách trong quán cho biết, lần đầu đến quán ngồi có cảm giác lạ. Lúc đầu cũng thấy sợ, nhưng hàng ngày đi ngang qua quán vẫn thấy khách ra vào tấp nập nên phần nào yên tâm sẽ không ảnh hưởng gì khi ngồi dưới đường dây điện cao thế (!?).

Còn anh Nguyễn Văn Tài, một thực khách nhiều lần đến quán cho biết gia đình anh vẫn hay ra quán ăn, mỗi lần đi đều dẫn theo các cháu bé. Khi chúng tôi hỏi việc có biết về những nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sinh sống, ngồi hàng giờ bên dưới đường điện cao thế thì anh Tài cho biết: “Ai cũng đến, thấy mọi người bình thường nên chắc không vấn đề gì!”. Một số nhân viên tiếp thị bia tại đây cho biết, vào mùa mưa khi làm việc tại đây họ thường thấy hiện tượng tia điện bắn ra từ lưới điện kèm theo những âm thanh rất đáng sợ. “Đôi lúc đang làm chúng em cứ lo là đường dây điện bị đứt rơi xuống ngay chỗ mình đang đứng”, một nhân viên tiếp thị bia tại quán nói.

Càng về khuya, quán càng thu hút đông thực khách. Đêm khuya, đường vắng khiến mọi người càng nghe rõ hơn những âm thanh lách tách phát ra từ dòng điện bên trên. Những cảnh báo, những nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng khi có các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao thế bị chủ đất, chủ nhà hàng bỏ qua cùng sự thờ ơ, thiếu quan tâm sức khỏe của chính các thực khách. Hàng ngày họ đến quán cứ vô tư ăn uống mặc cho các nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn, cùng những nguy hiểm chết người đang treo lơ lửng trên đầu mình.

Cần chấn chỉnh hoạt động kinh doanh dưới đường điện cao thế

Theo tìm hiểu của phóng viên, tuy hoạt động mất an toàn nhiều năm nay, song việc quán ăn trên vẫn tồn tại do vẫn chưa được giải tỏa đền bù, vì vậy những chủ đất tại khu vực có đường dây điện cao thế này tận dụng cho người khác thuê mặt bằng để hoạt động kinh doanh mua bán. Về chức năng quản lý của ngành điện thì các tuyến 220kV không thuộc chức trách của các nhi nhánh điện ở địa phương, kể cả Công ty Điện lực Bình Dương. Chức năng quản lý, kiểm tra và xử lý các vi phạm này thuộc Công ty Truyền tải điện 4. Trong khi đó, nhiều khu vực lưới điện đi qua, ngoài những phần mố xây dựng trụ điện được đền bù thì bất chấp những quy định giới hạn việc trồng trọt, xây dựng các công trình dân dụng phải bảo đảm khoảng cách an toàn một số nơi như tại chợ tự phát Tân Hiệp, TX.Tân Uyên (như chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước) hay khu vực lưới điện 220kV dẫn vào trạm Thuận An một bộ phận người dân vẫn còn tỏ ra thờ ơ và bất chấp những cảnh báo nguy hiểm, hệ lụy và các tai nạn về điện có thể xảy ra nếu việc vi phạm tiếp tục kéo dài.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Nam, Trưởng phòng Kỹ thuật, an toàn bảo hộ lao động, Công ty Điện lực Bình Dương, cho biết hiện nay Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, trong đó tại Điều 10 quy định rõ về khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp. Còn tại Nghị định 134/2013/ NĐCP ngày 17-10-2013 thì quy định cụ thể về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cũng theo ông Nam, các nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn nếu không giữ được khoảng cách an toàn phóng điện khi mang vác vật dài, dựng trụ ăng ten… sẽ gây phóng điện vào người. Do sự cố lưới điện dây dẫn điện có khả năng đứt rơi xuống đất gây cháy hồ quang điện. Ngoài ra, vào mùa mưa bão đường dây dẫn điện dễ bị sét đánh, gây đứt, rớt dây... dễ dẫn đến các tai nạn về điện.

 Khoảng 13 giờ 40 phút ngày 22-5-2013, tại đoạn đường dây 500kV tuyến Di Linh - Tân Định, qua khu vực phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, tài xế Ngô Tấn Thảo (ngụ TX.Thuận An) lái xe cẩu nâng cây dầu cao hơn 10m tại vườn ươm gần đấy. Trong lúc di chuyển cây dầu đưa lên xe, do xe chạy quá gần đường dây 500kV khiến ngọn cây dầu chạm vào đường dây cao thế 500kV gây ra sự cố mất điện toàn miền Nam. Sự cố xảy ra đã gây hiệu ứng dây chuyền và rã lưới. Trạm biến áp của tất cả các tỉnh, thành phải ngưng phát để hệ thống điều độ quốc gia rà soát, tìm điểm xảy ra sự cố. Sự cố xảy ra trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500kV Bắc - Nam, gây nhảy tất cả tổ máy phát điện, dẫn tới hệ thống điện miền Nam mất toàn bộ (với tổng công suất khoảng 9.400 MW). Những sự cố như vậy thường mất khoảng 6 - 8 giờ mới khắc phục hoàn toàn.

 DUY KHANG