Quả vải Việt Nam ở châu Âu: Sự năng động của thương vụ Việt Nam
(BDO)
Vải thiều Thanh Hà được bán với giá 18 euro/kg tại siêu thị Thanh Bình Jeune ở Paris (Pháp). (Ảnh: Linh Hương/TTXVN)
Trong hành trình các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đưa quả vải đến với "xứ người," có vai trò dẫn dắt, định hướng, làm cầu nối của các "ông tơ bà nguyệt” - các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam và cơ quan thương vụ tại châu Âu.
Đặc biệt, việc quả vải chinh phục thành công thị trường châu Âu lần này phải kể đến vai trò quan trọng của Bộ Công Thương và sự năng động của hệ thống thương vụ Việt Nam tại địa bàn. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới sự chuyên nghiệp, năng động của các doanh nghiệp.
Không phải bây giờ người dân Pháp mới biết đến quả vải Việt Nam. Từ năm 2012-2013, một vài nhà phân phối hàng châu Á đã về nước tìm mua vải thiều Hải Dương đưa sang Pháp để bán. Sau 3-4 năm kinh doanh không hiệu quả do chất lượng sản phẩm đi xuống, vận tải khó khăn, tỷ lệ quả hỏng nhiều, họ đã không còn hào hứng với mặt hàng hoa quả này nữa.
Ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho rằng việc quả vải Việt Nam quay trở thị trường Pháp với số lượng nhập khẩu lớn nhất từ trước tới nay là nhờ vào nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó có 3 điểm nhấn quan trọng. Đó là việc áp dụng các công nghệ và tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như GlobalGAP, VietGap, chất lượng vùng trồng và chất lượng trái vải ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, từ trong và ngoài nước, ngày càng phối hợp nhịp nhàng để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược phát triển thị trường nước ngoài. Điều này được thể hiện rõ ở sự phối hợp giữa các địa phương và Bộ Công Thương nhằm triển khai thực hiện các chính sách, định hướng của chính phủ trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Thành công của mùa vải năm nay có được là nhờ có sự chủ động và tích cực của Bộ Công Thương và các tỉnh như Hải Dương, Bắc Giang trong việc phối hợp để tìm đầu ra cho nông sản.
Từ đầu năm 2020, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã được ký kết và đối diện với tình hình mới do dịch bệnh COVID-19, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) đã có những chỉ đạo sát sao và định hướng hoạt động cụ thể tới các cơ quan thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu nhằm tăng cường hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sẵn sàng đương đầu với những thách thức để tìm hướng đi mới, nâng tầm cho nông sản Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại tại Bỉ, EU, kiêm nhiệm Luxembourg, chia sẻ: “Năm nay là năm đầu tiên chúng tôi chứng kiến sự quyết liệt, chuyên nghiệp và bài bản của Bộ Công Thương trong việc xúc tiến xuất khẩu nông sản, trong đó có quả vải, khi mà cả hệ thống thương vụ được chỉ đạo tập trung tìm đầu ra, xúc tiến quả vải và một số nông sản khác trong đợt cuối tháng Năm và trong tháng Bảy. Chính những hành động này đã giúp bà con nông dân tìm được đầu ra bền vững cho nông sản của mình, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, tình trạng phong tỏa, cách ly diễn ra khắp nơi trên thế giới khiến thương mại toàn cầu bị đình trệ."
Với mục tiêu tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với các kênh phân phối nước ngoài, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020."
Trên cơ sở đề án này, các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã tăng cường tổ chức một loạt các hoạt động quảng bá, giới thiệu trực tiếp nông sản Việt Nam trong các hệ thống siêu thị, phân phối và trong các chợ đầu mối, bán sỉ cũng như kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Như tại thị trường Pháp, để đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ loại hoa quả đặc sản của vùng nhiệt đới này, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức gian hàng quảng bá vải thiều tại Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021 diễn ra vào trung tuần tháng Sáu ở quảng trường Monge, trung tâm thủ đô Paris. Tại sự kiện này, nhiều người tiêu dùng Pháp lần đầu tiên được khám phá hương vị thơm ngon của trái vải thiều Thanh Hà, Hải Dương.
Ông Vũ Anh Sơn nhấn mạnh việc triển khai đề án nêu trên của Bộ Công Thương đã tạo tiền đề để các nhà nhập khẩu bán sỉ gia tăng đáng kể các đơn hàng nhập khẩu hàng Việt Nam và người tiêu dùng Pháp được biết đến nhiều hơn về nông sản Việt.
Cho tới nay, với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Pháp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng được chuỗi cung ứng nông sản đạt chất lượng xuất khẩu vào các kênh phân phối tại thị trường Pháp và châu Âu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã chuyên nghiệp, năng động và quyết tâm hơn trong việc tiếp cận những thị trường khó tính nhằm đa dạng hóa đầu ra của sản phẩm, tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Nếu như trước đây, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không tham gia vào quá trình sản xuất mà chỉ thu mua sản phẩm từ các hộ nông dân nhỏ lẻ thì hiện nay, đã hình thành nhiều doanh nghiệp lớn, đầu tư có bài bản các vùng trồng riêng hoặc đồng hành cùng các hộ canh tác từ khâu sản xuất, kiểm tra chất lượng cho đến tiêu thụ sản phẩm.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn của Vương quốc Anh, một thị trường khó tính, có các yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, Công ty TT Meridian, có trụ sở tại London và chuyên về xuất nhập khẩu giữa Anh, EU và Việt Nam, đã phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA ở Việt Nam để lựa chọn các trái vải thiều được trồng tại các nhà vườn đáp ứng tiêu chuẩn Global GAP ở Lục Ngạn, Bắc Giang.
Giới thiệu vải thiều Việt Nam với khách hàng Pháp. (Ảnh: Linh Hương/TTXVN)
Ngoài ra, để đảm bảo độ tươi ngon của trái vải khi đến tay người tiêu dùng, lô hàng đã được vận chuyển bằng đường hàng không, theo chế độ có kiểm soát nhiệt độ trong suốt hành trình Nội Bài, qua Singapore và đến sân bay Heathrow của Anh.
Các công ty tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu cũng phải chuẩn bị trước hồ sơ một cách đầy đủ nhằm rút ngắn thời gian thông quan và nhanh chóng đưa sản phẩm đến các chuỗi siêu thị Việt Nam lớn và lâu đời ở Anh như Bảo Long, Hà Nội, Huy Minh, Longdan.
Nói về việc nhập khẩu thành công trái vải thiều vào Vương quốc Anh, ông Thái Trần - Giám đốc điều hành Công ty TT Meridian, cho biết: “Vương quốc Anh có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản, đặc biệt là hàng từ các nước đang phát triển. Do đó, các công ty tham gia vào lô hàng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước lô hàng này, cả FUSA và TT Meridian đều đã có kinh nghiệm xuất nhập khẩu hàng nông sản vào thị trường các nước EU như Cộng hòa Séc, Pháp, Hà Lan… Đây là cơ sở để chúng tôi mạnh dạn thực hiện lô hàng này."
Có thể thấy rằng sự vào cuộc tích cực, chủ động cùng sự phối hợp đồng bộ của các bên đã đem lại thành công cho "thương vụ" vải tại châu Âu lần này.
Theo bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hà Lan, các cơ quan thương vụ Việt Nam đang tích cực thúc đẩy sự có mặt ngày càng nhiều những loại trái cây chất lượng cao nói riêng như vải, nhãn, thanh long... cũng như nông sản Việt nói chung vào thị trường châu Âu để tận dụng tối đa lợi ích của EVFTA, đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020./.
Theo TTXVN