Quá tải chạy thận nhân tạo : Bệnh nhân chạy thận nhân tạo - khổ chồng thêm khổ
Kỳ 1: Bệnh nhân chạy thận nhân tạo - khổ chồng thêm khổ
Một khi bác sĩ chỉ định phải chạy thận nhân tạo (CTNT) cũng có nghĩa là người bệnh đó phải “sống chung” với nó đến cuối cuộc đời. Bởi thế, khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh của các bệnh nhân đang điều trị tại phòng CTNT ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, các y, bác sĩ ở đây đều nói rằng “Đã mắc phải bệnh này không nghèo cũng trở nên nghèo mà thôi. Hầu hết, bệnh nhân CTNT ở đây đều là người nghèo...”.
Mới 20 tuổi, bệnh nhân Nguyễn Văn Vũ đã có thời gian CTNT 2 năm
Theo bác sĩ Lý Văn Trãi, BVĐK tỉnh, có 3 phương pháp điều trị đối với bệnh nhân bị suy thận mãn (STM) giai đoạn cuối, đó là: ghép thận, lọc màng bụng và lọc máu định kỳ (còn gọi là CTNT). Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, phương pháp được nhiều người bệnh lựa chọn nhất là CTNT. Theo khuyến cáo, nếu bệnh nhân được chẩn đoán STM thì phải CTNT 3 lần/tuần, mỗi lần kéo dài 4 tiếng mới có thể bảo đảm được chất lượng cuộc sống. Tính theo chi phí điều trị tại BVĐK tỉnh hiện nay, nếu bệnh nhân không có bảo hiểm y tế (BHYT) phải đóng 600.000 đồng cho một lần chạy CTNT, chưa kể tiền thuốc; nếu có BHYT nhưng chạy dịch vụ thì một lần đóng thêm 200.000 đồng (bảo hiểm chi trả 400.000 đồng). Theo đó, đối với bệnh nhân không có BHYT, nếu một tuần CTNT 3 lần chỉ tính riêng tiền chạy đã phải tốn 1,8 triệu đồng; nếu có BHYT mà chạy dịch vụ thì tốn 600.000 đồng.
Điều oái oăm là, một khi bệnh nhân đã phải CTNT rồi thì không thể chạy một vài tuần hay một vài tháng là xong. Người mắc bệnh STM thường phải điều trị kéo dài ròng rã năm này qua năm khác nên chi phí hết sức tốn kém. Bởi thế, người ta nói STM là “bệnh nhà giàu”. Thực tế hiện nay, nhiều người nghèo cũng mắc phải căn bệnh nan y này, khiến cho họ đã nghèo lại chồng thêm muôn vàn khó khăn. Với giọng ngắt quãng nói như không ra hơi, bà Phạm Thị Bên ở thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên) đang CTNT tại BVĐK tỉnh, buồn rầu kể: “Tôi chạy thận đã được 10 năm nay rồi. Khi mới bị bệnh, vì gia đình nghèo khó nên phải vay mượn bên ngoài để chữa chạy bệnh. Sau đó, gia đình tôi nhận tiền đền bù quy hoạch trên 900 triệu đồng. Nhờ có số tiền này tôi đã trả được nợ và chữa trị bệnh tiếp. Ngoài chi phí chạy thận, mỗi lần đi bệnh viện phải thuê xe hết 500.000 đồng. Mấy năm nay số tiền đó theo tôi đi CTNT mà “mẻ” dần, giờ chỉ còn khoảng 200 triệu đồng. Cứ thế này, tiền sẽ cạn dần, không biết lúc đó xoay xở sao nữa...”. Còn với trường hợp của bà Mai Diệu Minh ở xã Thạnh Phước (Tân Uyên) còn thê thảm hơn. Bà cho biết, vì không có tiền để đi chạy thận kịp thời, có lần bà đã suýt chết. Những lúc như vậy phải chạy thận cấp cứu, chi phí còn tốn kém hơn chạy định kỳ. Lần đi chạy thận này, bà vay 1 triệu đồng nhưng phải trả tiền lời 300.000 đồng. Bà Minh nói trong nghẹn ngào: “Sợ phải cấp cứu lần nữa nên dù phải vay mượn với giá cắt cổ, nhưng tôi cứ đánh liều vay rồi tính sau. Giờ thì cảm thấy lo thật sự, vì không biết lấy gì để trả cho chủ nợ...”.
Chị Lê Thị Cẩm Vân ở phường Chánh Nghĩa, TP.TDM cũng là một trong những bệnh nhân “nghèo điển hình” ở phòng CTNT BVĐK tỉnh. Tính đến nay, chị đã “gắn bó” với máy CTNT hơn 6 năm và cũng là người thường xuyên ghi nợ viện phí vì hoàn cảnh gia đình quá nghèo. Chị cho biết, trước đây chị đi làm thuê. Từ ngày bị bệnh, sức khỏe yếu không còn đủ sức đi làm thuê nên chị chuyển sang bán vé số. Mỗi ngày chị kiếm được khoảng 50.000 đồng tiền lời từ công việc bán vé số này. Tất cả nguồn thu nhập ít ỏi đó đều tập trung cho việc chị đi CTNT, nhưng vẫn không thể đủ. Nhờ có thẻ BHYT người nghèo, mỗi lần chạy chị phải đóng thêm 235.000 đồng. Chị Vân chia sẻ: “Trung bình mỗi tuần chị kiếm được khoảng 300.000 đồng, nhưng chi phí chạy thận hơn 700.000 đồng. Có khi không có tiền đi chạy đúng định kỳ, mặt mày sưng phù, huyết áp cũng tăng lên mệt lắm. Những lúc đó nằm ngủ không được mà toàn phải ngủ ngồi. Chị đã nhiều lần thiếu tiền chạy nên ghi nợ viện phí. Các y, bác sĩ ở bệnh viện cũng biết hoàn cảnh của mình nên thông cảm cho, có lần còn “xóa nợ” cho chị vì chị không có khả năng chi trả. Hiện tại, chị cũng đang ghi nợ viện phí gần cả tháng mà không có tiền trả...”. Thực ra việc “xóa nợ” này là do bệnh viện đã xét duyệt cho chị Vân vào diện nghèo, được miễn nên chị không phải đóng tiền dịch vụ 200.000 đồng/lần. Mặc dù đã được miễn hoàn toàn tiền dịch vụ, chỉ còn đóng tiền 5% BHYT nhưng chị Vân vẫn còn nhiều khó khăn nên phải tiếp tục nợ lại viện phí.
Đến phòng CTNT tại BVĐK tỉnh, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhiều trường hợp bệnh nhân rất thương tâm. Có người, từ chỗ giàu có nhưng do chữa trị bệnh trong thời gian dài nên gia đình đi đến khánh kiệt. Cũng có trường hợp, người bệnh vì quá nghèo không có tiền để CTNT đủ số lần quy định trong tuần nên phải sớm từ giã cõi đời. Các bác sĩ ở đây cho biết, thương tâm nhất là trường hợp của bệnh nhân Thái Văn Thanh ở Tây Ninh. Dù có thẻ BHYT, nhưng vì gia đình nghèo quá không có điều kiện để đóng thêm 20% viện phí, nên bệnh nhân này không đến CTNT được và đã ra đi khi mới 19 tuổi.
Đa số bệnh nhân CTNT đều là người lớn tuổi, nhưng cũng có những bệnh nhân tuổi còn rất trẻ đã mắc phải căn bệnh tốn tiền này. Em Nguyễn Văn Vũ ở xã An Tây (Bến Cát) là một trong những bệnh nhân mắc bệnh STM khi tuổi đời còn rất trẻ. Vũ cho biết, năm nay em 20 tuổi và đã CTNT được 2 năm rồi. Có nghĩa là, khi mới 18 tuổi em mắc bệnh STM. Nằm trên giường chạy thận nói chuyện với chúng tôi nhưng giọng của em khá yếu và gương mặt lúc nào cũng đượm nét u buồn. Trước đây, em đi học nghề chạm bạc với mong muốn sau khi học xong sẽ đi làm kiếm tiền phụ giúp ba mẹ. Thế nhưng, mới học xong đi làm được một tháng thì em phát hiện mình mắc phải căn bệnh này nên bao nhiêu dự định tan thành mây khói. Sức khỏe không cho phép vì em còn mang trong mình căn bệnh hở van tim và phải lên xuống bệnh viện riết nên em không làm được việc gì cả. Em kể, mẹ em làm mướn cho người ta, còn ba thì chạy xe lôi. Kinh tế gia đình trước đây không nghèo nhưng cũng đủ ăn. Thế nhưng, từ khi em bị bệnh, chi phí điều trị một tháng 5 - 6 triệu đồng nên gia đình rất khó khăn. Từ đầu năm 2012, em được cấp BHYT người nghèo, chi phí điều trị có đỡ đi phần nào nhưng ba mẹ em phải làm lụng vất vả lắm mới có tiền cho em chạy thận. “Ba mẹ cực khổ thế nhưng em không làm được việc gì giúp gia đình cả, em thấy buồn lắm. Bây giờ em chỉ muốn mình được khỏe lại để đi làm phụ ba mẹ...”. Các y, bác sĩ ở đây cho biết, ngoài em Vũ bị STM là người trẻ tuổi, còn có một số bệnh nhân nhỏ tuổi hơn, như bệnh nhân Đỗ Tấn Cần mới 16 tuổi, đã từng chạy thận 2 năm ở TP.HCM.
Có rất nhiều bệnh liên quan đến thận, như: viêm cầu thận cấp, viêm ống thận cấp, viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư... mà nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực đều có thể tiến triển đến suy thận. Bởi lẽ đó, các bác sĩ khuyến cáo, những người mắc các bệnh liên quan đến thận cần biết rõ những dấu hiệu suy giảm chức năng thận để đi khám và kiểm tra nhằm xác định chính xác suy thận khi các triệu chứng xuất hiện, vì các dấu hiệu của suy thận không rõ rệt và đặc thù. Nhiều trường hợp, việc điều trị chỉ dùng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp khác mà không phải CTNT. Vấn đề là cần phát hiện bệnh sớm, bệnh nhân phải được điều trị sớm mới có hiệu quả cao và tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.
Kỳ 2: Hết lòng chữa trị cho bệnh nhân
A.SÁNG - H.THUẬN