Quá ngán cảnh mua vé tàu Tết

Thứ ba, ngày 16/11/2010

Cơn ác mộng mua vé tàu Tết đã trở lại với người dân dưới một hình hài có vẻ rất hiện đại: nghẽn mạng internet. Tình trạng vé chợ đen theo đó cũng bắt đầu bùng lên.

 

Mạng tê liệt

 

Đúng 8 giờ sáng 15-11, nhiều người đã không thể nào truy cập được vào website www.vetau.com.vn theo hướng dẫn của Ga Sài Gòn trước đó.

 

Bạn đọc Nguyễn Vỹ bức xúc: “Không biết ngành đường sắt làm ăn kiểu gì mà thay đổi cách bán vé lia lịa, chỉ làm khổ dân. Năm ngoái thì tổ chức nhắn tin còn năm nay thì đặt vé qua mạng nhưng cả hai đều tệ. Loay hoay mãi, đến tối 14-11, vợ chồng tôi mới tạo được 2 tài khoản nhưng từ sáng đến giờ không cách nào vào được thì làm sao để đặt vé. Tôi vô địa chỉ www.vetau.com.vn rất nhiều lần nhưng đều hiện lên dòng chữ lạnh lùng giống nhau: “Service Unavailable”. Thật khổ! Năm ngoái thì không nhắn tin được nên phải ra ngoài mua vé chợ đen tốn thêm 200 - 300 nghìn đồng/vé. Hôm nay tôi đã nghỉ một ngày làm việc nhưng đến giờ này vẫn không đăng ký được. Tôi đặt vé từ Sài Gòn đi Quảng Ngãi không được, về các ga khác cũng thế!”.

 Nhiều người đến Ga Sài Gòn xem thông tin vé tàu Tết vào sáng 15-11, trong khi vé đã được đưalên trên mạng

Không biết ngành đường sắt làm ăn kiểu gì... Năm ngoái thì tổ chức nhắn tin còn năm nay thì đặt vé qua mạng nhưng cả hai đều tệ

Bạn đọc Nguyễn Vỹ

Một trường hợp may mắn vào được mạng là anh Tài, ở Q.Phú Nhuận. Anh cho biết, một người bạn đã nhờ mua giúp 6 vé tàu Tết, gồm 4 vé từ TP.HCM - Đồng Hới vào ngày 29-1 và 2 vé từ TP.HCM - Vinh cùng ngày. Tuy nhiên, anh chỉ đặt được 2 chỗ đi Vinh, còn 4 chỗ đi Đồng Hới khi anh vừa vào nhìn thấy chỗ, bấm vào thì nó tự dưng... biến mất.

 

Công ty bất lực

 

Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn chiều 15-11 cho biết đúng 8 giờ, khi phương án bán vé tàu Tết được cập nhật vào hệ thống, số lượng khách hàng truy cập vào website tăng cao với tổng số 32.512 người. Lúc 9 giờ (sau 1 tiếng đồng hồ), chỗ đặt thành công là 433 chỗ và 1 tiếng đồng hồ sau nữa (lúc 10 giờ), số chỗ đặt thành công là 1.293 chỗ. Tốc độ chỗ đặt thành công tăng dần.

 

Công ty cũng xác nhận tình trạng một số khách hàng truy cập vào trang web không được; một số khách hàng đã truy cập được nhưng do thao tác đặt chỗ chưa đúng, thoát ra sau đó truy cập vào lại không được. Cũng có một số khách hàng đã đặt được chỗ nhưng chưa nhận được kết quả (khách hàng có thể kiểm tra lại thông tin khi truy cập được vào web lần sau). Theo số liệu từ hệ thống máy chủ lúc 10 giờ, nguồn tài nguyên sử dụng máy chủ trung bình là 30%, tài nguyên băng thông là 99%, tài nguyên CPU của Router là 99%. Nguyên nhân của các sự việc xuất hiện nêu trên là do số lượng người truy cập lớn, dẫn đến quá tải băng thông và Router.

 

Theo phản ảnh của nhiều độc giả, việc mua vé tàu qua mạng www.vetau.com.vn từ trưa đến buổi chiều 15-11 bị tắc nghẽn và hoàn toàn không thể truy cập được. Trao đổi với báo chí, đại diện mạng VNPT cho rằng sự cố này không phải do đường truyền mà do máy chủ của đơn vị bán vé qua mạng quá yếu, chính vì vậy khi lượng truy cập đột ngột tăng cao lập tức dẫn đến sập máy chủ. Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena - phân tích: “Việc Ga Sài Gòn thông báo chỉ bán vé tàu từ ngày 15-11 đến ngày 22-11 khiến mọi khách hàng tập trung số lượng lớn mua trong ngày đầu tiên, dẫn đến nghẽn mạng. Để giải quyết việc này, Ga Sài Gòn nên phân luồng khách hàng bằng cách bán vé nơi đến theo ngày. Ví dụ bán vé đi Nha trang vào thứ hai, bán vé đi Huế vào thứ ba, đi Hà Nội vào thứ tư... ”.

Tính đến thời điểm 15 giờ, tình hình đã được cải thiện, Vietinbank đã nâng cấp đường truyền và Router mới với năng lực xử lý lên gấp 2 lần. Kết quả đã có 15.280 chỗ đặt thành công. Đến 16 giờ, tổng số phiếu đặt chỗ là 8.330 phiếu, với 17.599 chỗ. Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, cho biết: Tổng số chỗ của những ngày “đẹp” (từ 22-28 tháng chạp) mỗi ngày chỉ khoảng 11.000 chỗ, trong đó phải chuyển ra Ga Hà Nội 15% cho ngoài đó bán, 20% bán cho tập thể tại Ga Sài Gòn. Như vậy, tổng số chỗ còn lại để đưa lên mạng trong những ngày này chỉ khoảng 42.000. Hành khách mua vé đi trước hoặc sau những ngày “đẹp”, không nên lên mạng đặt chỗ vào thời điểm này, mà hãy đến các ga, đại lý để mua.

 

Công ty cũng đề nghị những khách hàng khi đặt chỗ thành công nên chọn phương thức thanh toán tiền qua ngân hàng vì khi đã thanh toán tiền là khách hàng chắc chắn đã có vé đi tàu, tránh được cảnh chờ đợi tại ga và các đại lý để lấy vé. Đối với những khách hàng chọn phương thức mua vé tại ga và các đại lý bán vé nên giãn thời gian lấy vé theo quy định để tránh chờ đợi, gây mất thời gian.

 

Vé chợ đen... rộng đất

 

Trong khi trên mạng vé tàu liên tục bị nghẽn vì quá tải thì ở bên ngoài khu vực Ga Sài Gòn, hành khách được giới cò mồi mời chào “muốn mua bao nhiêu cũng có”.

 

Trong vai người cần mua 3 vé tàu nhanh đi từ Ga Sài Gòn đến Đà Nẵng vào ngày 21 tháng chạp, chúng tôi được một người đàn ông tên Hải, số điện thoại 01228842..., tiếp thị: “Tụi tôi làm cái nghề này đã lâu năm nên rất uy tín. Anh muốn mua bao nhiêu vé cũng có vì chúng tôi có đường dây”. Người này bảo tôi chỉ cần mang theo 3 bản sao CMND và 1 triệu đồng tiền đặt cọc đến địa chỉ số... đường Nguyễn Phúc Nguyên, Q.3 (đoạn trước Ga Sài Gòn) rồi vài ngày sau anh ta sẽ gọi đến lấy vé. Chúng tôi tỏ ra băn khoăn vì cho rằng lỡ như không có vé thì biết tìm anh ta ở đâu, “cò” này phán chắc nịch: “Từ sáng đến giờ đã có mấy trăm người đặt và tôi đang đi giao vé cho người ta. Đảm bảo là có vé, chỉ cần các anh trả tiền công 200.000 đồng/vé”.

 

Trưa 15-11, không khí khu vực trước Ga Sài Gòn ồn ào hẳn lên vì đội ngũ cò vé hoạt động xôm tụ. Trên đường Nguyễn Phúc Nguyên, một nữ “cò” vé tự giới thiệu tên là Đáo, số điện thoại 09071467..., đưa cho chúng tôi xem bản lịch chạy tàu trong dịp Tết, rồi nói: “Nếu đặt vé đi trước ngày 21 tháng chạp thì khỏi cần photo CMND, chỉ cần đưa tôi trước 100 nghìn đồng/vé, chậm nhất trước ngày tàu khởi hành 2 ngày tụi này sẽ gọi giao vé. Anh đi ga nào cũng có vé, khỏi cần lên mạng rắc rối lắm!”. Thế nhưng, khi chúng tôi nại lý do CMND bị mất chưa kịp làm lại, và phải đi đúng vào ngày 24 tháng chạp thì “cò” vẫn “ok”. Rồi giải thích: “Anh yên tâm! Tui sẽ dùng CMND của mình để mua vé. Tui đảm bảo dẫn anh lên tới tàu luôn”. Trong lúc nói chuyện với “cò” Đáo, tôi để ý thấy có một đôi vợ chồng gần 50 tuổi và một người đàn ông trạc 40 tuổi đã đồng ý đặt cọc để mua vé về Ga Diêu Trì (Bình Định).

 

Bên trong sân ga, đội ngũ cò vé cũng đã vào mùa làm ăn lớn nhất trong năm. Ngay trước căn-tin Ga Sài Gòn, một “cò” tên S. khẳng định chắc nịch: “Hiện nay, mỗi vé chỉ cần chi thêm 150 nghìn đồng ngoài giá vé thì muốn bao nhiêu cũng có. Chứ vài hôm nữa muốn có một vé phải chi thêm 200-250 nghìn đồng”. Thấy chúng tôi còn nghi ngờ, cò này chỉ tay vào căn-tin: “Ngày nào tôi cũng ở đây nên anh đừng sợ bị giật”. Đi trên các đoạn đường trước Ga Sài Gòn (đường Nguyễn Thông, Nguyễn Phúc Nguyên) chiều 15-11, chúng tôi cũng chứng kiến đội ngũ cò vé hoạt động náo nhiệt..

Theo Thanh Niên