QH thảo luận dự thảo Luật thi hành án hình sự

Thứ hai, ngày 24/05/2010

Hình thức thi hành án tử hình là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội với nhiều luồng ý kiến khác nhau trong buổi làm việc tại hội trường, sáng 24-5, cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thi hành án hình sự.

 

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng tính răn đe của hình phạt tử hình là ở chỗ quyết định tước đi sinh mạng của người phạm tội, chứ không liên quan đến hình thức tử hình là xử bắn hay tiêm thuốc độc.

 Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đặng Huyền Thái phát biểu ý kiến.   

Các đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng), Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp), Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) và một số đại biểu khác đề nghị nên sử dụng hình thức tiêm thuốc độc, bởi trong các hình thức thi hành án tử hình đang được nhiều nước áp dụng, thì hình thức tiêm thuốc độc là nhân đạo nhất, ít gây đau đớn hơn cho người bị thi hành án, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án.

 

Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, quy trình, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng dễ thực hiện. Hơn nữa, việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc cũng đã được Bộ Công an nghiên cứu và xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền.

 

Đồng tình với phương án này, đại biểu Đặng Huyền Thái (Hà Nội) đề nghị quy định rõ trình tự thủ tục của phương án và đề nghị làm thí điểm trước khi áp dụng vào thực tế.

 

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại cho rằng, với tình hình tội phạm ngày càng nghiêm trọng và dã man như hiện nay nên duy trì hình thức xử bắn, nên có trường bắn riêng và bắn tự động để giải quyết áp lực đối với người thi hành.

 

Theo đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) và một số đại biểu khác nên cho phạm nhân lựa chọn cách thi hành án bằng cách tiêm thuốc độc hoặc xử bắn. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh đối với loại tội phạm dã man, bị xã hội lên án, cần thực hiện xử bắn công khai để có tác dụng răn đe.

 

Nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc quy định cho phép thân nhân người bị thi hành án tử hình được nhận tử thi của người bị thi hành án về mai táng. Trước ý kiến cho rằng, nếu chỉ quy định cho phép thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình được nhận hài cốt sau 3 năm kể từ ngày mai táng thì thực tiễn cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp.

 

Ở một số tỉnh phía Nam không thực hiện việc cải táng, việc quy định như vậy là không khả thi. Nhiều trường hợp sau khi xử bắn và mai táng, thân nhân người bị tử hình tìm mọi cách lấy trộm tử thi, có địa phương tỷ lệ lấy trộm tử thi sau khi thi hành án tử hình đến 90%, dẫn đến khó khăn trong quản lý phần mộ của người bị thi hành án tử hình.

 

Đại biểu Ngô Tự Nam (Đồng Tháp) và một số đại biểu đề nghị cho phép thân nhân được nhận tử thi trong một số trường hợp và cần quy định rõ trường hợp nào không được phép nhận.

 

Đại biểu Trần Bá Thiều (Hải Phòng) và nhiều đại biểu cho rằng nên cho thân nhân nhận tử thi bởi dù đây là đối tượng bị xã hội lên án nhưng sau khi thi hành án rất ít gia đình bỏ hài cốt. Việc cho thân nhân nhận tử thi sẽ giải quyết được việc bị đào trộm tử thi.

 

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị việc nhận tử thi cần đi kèm với điều kiện đây không phải là đối tượng cộm cán, cầm đầu băng đảng để tránh gây mất an ninh trật tự. Sau khi nhận, gia đình phải an táng ngay, không được tổ chức tang lễ như bình thường.

 

Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cũng đề nghị cho người nhà nhận thi hài về mai táng khi có đơn xin, có ý kiến của chính quyền cơ sở và có điều kiện kèm theo như không tổ chức tang lễ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Các đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) đề nghị thực hiện hỏa táng trước khi cho người nhà nhận tro cốt.

 

Các đại biểu còn cho ý kiến vào một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như trách nhiệm của Tòa án trong thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Nhân dân các cấp trong thi hành án hình sự; hệ thống tổ chức thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cấp huyện; chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân; chế độ quản lý, giáo dục đối với phạm nhân là người chưa thành niên.

(THEO TTXVN)