Phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một: Điểm sáng từ mô hình “Khu phố văn hóa tiết kiệm điện”
Để hưởng ứng chương trình tiết kiệm điện năng, góp phần bảo đảm nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một đã phối hợp với Điện lực Thủ Dầu Một thực hiện chương trình “Khu phố văn hóa tiết kiệm điện”. Qua một thời gian thực hiện, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã ý thức được lợi ích thiết thực của việc tiết kiệm điện cho gia đình và cộng đồng.
(BDO)
Chương trình “Khu phố văn hóa tiết kiệm điện” của phường Phú Hòa không chỉ góp phần tiết kiệm nguồn năng lượng mà còn hạn chế xảy ra sự cố về điện, giảm thiểu tình trạng cắt điện luân phiên. Ảnh: K.HÀ
Nhà nhà tiết kiệm điện
Những tháng gần đây, gia đình ông Nguyễn Hữu Linh, ở khu phố 2, phường Phú Hòa đã tích cực điều chỉnh việc sử dụng các thiết bị điện trong gia đình như máy lạnh, quạt, bóng đèn. Toàn bộ hệ thống đồ dùng điện trong gia đình được ông sắp xếp lại, thay thế một số bóng đèn hư hỏng bằng bóng đèn tiết kiệm điện compact, hạn chế mở đèn, bật quạt, tăng cường sử dụng ánh sáng tự nhiên và khí trời. Ông Linh cũng thường xuyên nhắc nhở mọi người trong nhà không để các thiết bị điện hoạt động ở chế độ chờ, không tải. Vì vậy, chỉ sau 1 tháng thực hiện, số lượng điện năng tiêu thụ của gia đình ông Linh đã giảm đáng kể, từ 300kWh xuống còn gần 200kWh điện.
Theo ông Phan Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, chương trình tiết kiệm điện của phường thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả khả quan; tạo bước chuyển tích cực trong nhận thức, hành động của nhân dân về thực hành tiết kiệm điện, góp phần cùng ngành điện bảo đảm cung cấp điện ổn định cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất việc cắt điện luân phiên trong mùa khô. |
Ông Linh cho biết: “Hưởng ứng chương trình khu phố văn hóa tiết kiệm điện, tôi và các thành viên trong gia đình quyết tâm thay đổi thói quen sử dụng điện năng, sắp xếp lại đồ điện trong nhà nên mỗi tháng đã tiết kiệm được một khoản chi tiêu. Những hành động như tắt đèn, tắt các thiết bị điện không cần thiết khi ra khỏi phòng; tắt hẳn nguồn điện khi không sử dụng thiết bị điện; sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện một cách hợp lý; sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng như đèn compact, đèn led, đèn tuyp, tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời và thông gió tự nhiên… đã mang lại hiệu quả cao”. Không chỉ thực hành tiết kiệm trong gia đình, ông Linh còn vận động bà con trong khu phố cùng thực hiện, nâng cao ý thức, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình tiết kiệm điện của địa phương.
Còn bà Trần Thị Đô, ở tổ 5, khu 9, Phú Hòa thì tiết kiệm điện bằng cách tận dụng củi đểnấu nước uống thay vìphải nấu bằng ấm điện, chỉ cắm cơm từ30 - 45 phút trước khi ăn; khi tắt các thiết bị điện thì tắt cả nguồn, không để ở chế độ chờ. Đặc biệt, nhà bà Đô còn sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời. Nhờ vậy, hóa đơn tiền điện hàng tháng giảm đáng kể. Bà Đô cho biết: “Kinh tế gia đình tôi còn khó khăn, để tiết kiệm điện, tôi hạn chế sử dụng các thiết bị điện đến mức tối đa. Nhờ vậy, mỗi tháng tôi tiết kiệm được chi từ 50.000 - 70.000 đồng/tháng”.
Chương trình “Khu phố văn hóa tiết kiệm điện” không chỉ thực hiện trong từng gia đình mà còn lan tỏa đến các em học sinh. Em Nguyễn Hữu Tiến, học sinh trường Tiểu học Phú Hòa 1 cho biết: “Ở trường em, cô giáo đã hướng dẫn cách tiết kiệm điện, nước, tắt nguồn các vật dụng khi không sử dụng điện nên em đã hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm điện”. Do đó, Tiến đã biết tắt đèn sau khi học bài xong, tắt máy tính và các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, không mở cửa tủ lạnh quá lâu... Ngoài ra, em còn hướng dẫn, dạy các em nhỏ tuổi hơn thực hiện tiết kiệm điện, tiết kiệm nước...
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Để chương trình được mọi người hưởng ứng, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau của chính quyền, người dân tại phường Phú Hòa đã dần hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc thực hành tiết kiệm điện, nước. Một số thói quen tốt của bà con đã hình thành trong quá trình sử dụng điện như ngắt các thiết bị không sử dụng ra khỏi nguồn điện, tắt quạt máy, đèn khi ra ngoài, không bơm nước, ủi đồ trong giờ cao điểm, hạn chế sử dụng máy điều hòa nhiệt độ… Quan trọng hơn, người dân đã có một số kiến thức nằm lòng về cách sử dụng thiết bị điện bảo đảm an toàn.
Điểm mới của chương trình là được gắn vào tiêu chí đăng ký hộ gia đình văn hóa và xem đây là điều kiện để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Đặc biệt, chương trình còn gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khiến cho phong trào tiết kiệm điện lan tỏa mạnh trong nhân dân, tạo sự đồng tình hưởng ứng của toàn xã hội. Trong khi phường tích cực triển khai các giải pháp, Điện lực Thủ Dầu Một cũng luôn đồng hành hỗ trợ tài liệu, theo dõi hóa đơn những gia đình đã đăng ký thực hiện, tổng hợp, so sánh số liệu để tìm ra gia đình, tập thể tiêu biểu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hòa cho biết: “Thời gian qua, ý thức về sử dụng tiết kiệm điện của người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước ở địa phương đã ngày một nâng cao, lượng điện năng tiết kiệm ngày càng tăng theo từng năm. Có được kết quả này là do địa phương đã xây dựng được kế hoạch tiết kiệm điện cụ thể đối với từng đối tượng sử dụng. Trong đó, đối với các cơ quan, công sở, đơn vị thụ hưởng ngân sách Nhà nước phải xây dựng và ban hành quy định về sử dụng điện trong cơ quan, đưa nội dung sử dụng điện tiết kiệm vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ và thi đua khen thưởng hàng năm. Với doanh nghiệp tiêu hao khối lượng lớn, phải thực hiện kiểm toán năng lượng, hoặc kiểm soát qua chỉ số tiêu thụ điện phải thấp hoặc bằng năm trước. “Điều này không chỉ bảo đảm điện hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn tiết kiệm được chi phí, nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp”, ông Lượng nói.
KIM HÀ