Phương pháp học tập để làm bài thi trắc nghiệm môn lịch sử

Thứ hai, ngày 13/03/2017

(BDO) Thực hiện đổi mới thi cử, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

Theo hướng dẫn thực hiện quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, các bài thi toán, ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Nâng cao chất lượng kỳ thi, thời gian qua, Sở GD-ĐT phối hợp với trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên (GV) dạy bộ môn nhằm nâng cao năng lực giảng dạy cho các thầy cô. Ngoài bồi dưỡng nghiệp vụ cho các GV, các tổ nghiệp vụ bộ môn của Sở GD- ĐT còn lập kế hoạch hoạt động các tổ trong năm học, phân công thao giảng cụm; biên soạn ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và tài liệu ôn thi THPT quốc gia theo hình thức mới.

Giờ học môn lịch sử của thầy và trò trường THPT Trần Văn Ơn (TX.Thuận An)

Riêng đối với môn lịch sử, cô Huỳnh Hồng Hạnh, GV trường THPT chuyên Hùng Vương, tổ phó tổ nghiệp vụ bộ môn lịch sử đã chia sẻ phương pháp giảng dạy giúp cho học sinh (HS) có kiến thức tốt, có kỹ năng làm bài theo đề thi trắc nghiệm. Theo cô năm nay là năm đầu tiên môn lịch sử thi bằng hình thức trắc nghiệm, nên nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT. Để HS đạt kết quả cao ở kỳ thi, GV cần rèn kỹ năng làm bài cho HS. GV bảo đảm tất cả kiến thức, nội dung chương trình, thực hiện đúng giảm tải. Về phương pháp, thầy cô giúp cho HS nắm được, hiểu được bản chất của các sự kiện, hiện tượng lịch sử, vận dụng được kiến thức vào bài thi. Trong quá trình giảng dạy, GV nên định hình thành các dạng để ôn luyện cho HS, có thể cụ thể hóa thành 3 dạng, dạng 1: Hệ thống hóa kiến thức; dạng 2 là các kỳ đại hội, các hội nghị Trung ương; dạng 3 là nguyên nhân thắng lợi hay nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử. Ngoài ra, GV cần hướng dẫn HS cách ghi nhớ các sự kiện lịch sử một cách nhanh nhất và có những phương pháp cụ thể để giúp HS làm quen với cách thi mới.

Đối với HS, các em phải ôn luyện, nắm được nội dung chương trình, có cách học thích hợp, làm quen nhiều với các dạng bài tập trắc nghiệm qua sách tham khảo và cùng trao đổi với GV để nắm được các kiến thức cơ bản, chọn đáp án trả lời chính xác. Các em cũng cần lưu ý, dù thi trắc nghiệm các em cũng không nên chủ quan mà phải học bài, nắm được nội dung chương trình, các sự kiện lịch sử, bản chất sự kiện lịch sử để chọn đáp án chính xác...

H.THÁI