Phục hồi kinh tế là nhiệm vụ cấp bách
(BDO) Cùng với phòng, chống dịch bệnh, nối lại sản xuất để phục hồi kinh tế là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của các địa phương trong thời điểm hiện nay. Nối lại sản xuất bên cạnh bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, còn tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và cao hơn là để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2021; hoàn thành “mục tiêu kép” theo tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ. Do thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều nên việc nối lại sản xuất để phục hồi kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ.
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 9, khóa XI vừa diễn ra mới đây cũng đã xác định bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, cần nhanh chóng nối lại sản xuất, phục hồi kinh tế. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và các dự án; có kế hoạch tổ chức xúc tiến đầu tư, khai thác tốt nguồn thu, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công...
Mặc dù đề cao công tác phòng, chống dịch bệnh, nhưng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, không được cát cứ, cục bộ địa phương, gây khó khăn cho DN và người dân trong đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Để nhanh chóng nối lại sản xuất phục hồi kinh tế, trước đó UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 4639/ KH-UBND ngày 14-9 về khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới”. Để thực hiện kế hoạch này, UBND tỉnh đã thành lập các tổ công tác hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới”; chuẩn bị tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Cùng với đó, UBND tỉnh đã tổ chức gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, DN, hiệp hội ngành hàng.
Cùng với việc hỗ trợ DN, UBND tỉnh cũng đã linh hoạt giao cho DN quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn, đăng ký phương án sản xuất theo hướng “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, kế hoạch UBND tỉnh, hiện các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đang dốc toàn lực giúp DN nối lại sản xuất. Mặc dù đề cao công tác phòng, chống dịch bệnh nhưng các địa phương đã chuyển sang cách làm mới vừa hỗ trợ DN phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tạo điều kiện để DN ổn định sản xuất. Tại các khu công nghiệp và DN có nhiều lao động, địa phương thành lập và đưa vào hoạt động Trạm Y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động và kịp thời bóc tách ca bệnh. Đối với vấn đề phong tỏa, cách ly được thực hiện trong phạm vi hẹp để bảo đảm nhà máy, xí nghiệp vẫn hoạt động bình thường nếu phát hiện ca bệnh. Tất cả các hoạt động nói trên của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương không ngoài mục đích giúp DN, nhà đầu tư nối lại sản xuất, tận dụng “thời gian vàng” từ nay đến cuối năm để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết với đối tác, từ đó góp phần giúp tỉnh nhà hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
LÊ QUANG