Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng: Giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội

Thứ năm, ngày 21/10/2010

Tháng 9-2003, chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCN-DVCĐ) được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Nó đã giúp cho người khuyết tật (NKT) hội nhập xã hội giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội; nhiều NKT tham gia lao động sản xuất, nhiều trẻ em được đến trường...

Bác sĩ Lê Văn Thế, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng - PHCN tỉnh cho biết, Bình Dương là tỉnh nằm trong vùng có tỷ lệ NKT cao nhất nước (vùng Đông Nam bộ), chiếm khoảng 15,3% dân số. Việc cải thiện và nâng cao cuộc sống cho NKT là một việc làm đầy khó khăn và thử thách bởi số lượng NKT trong cộng đồng rất lớn. Trong khi đó, trước đây quan niệm xã hội nói chung và ngay cả ngành y tế vẫn thường giao việc này cho khoa vật lý trị liệu nhỏ bé, chật hẹp và nhân viên y tế có hạn ở các bệnh viện.

 

NKT được giới thiệu việc làm, ổn định cuộc sống

PHCN-DVCĐ là biến công tác PHCN thành công tác của mọi người trong công cuộc xây dựng và phát triển cộng đồng, là phương pháp phục hồi cho NKT ngay tại nhà. Nhân viên thực hiện phương pháp này chính là bản thân NKT, thân nhân, họ hàng và cán bộ y tế địa phương. Họ được huấn luyện, áp dụng những kỹ thuật PHCN thích ứng; đồng thời có thể sản xuất, chế tạo dụng cụ tập luyện tại nhà, trạm y tế. PHCN- DVCĐ còn hỗ trợ, vận động, khuyến khích trẻ em khuyết tật đến trường học, hỗ trợ tạo việc làm cho NKT tại địa phương.

Chương trình PHCN-DVCĐ được triển khai từ tháng 9-2003 trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, chương trình đề ra mục tiêu: 100% NKT cần PHCN được mở hồ sơ PHCN-DVCĐ, trên 80% NKT được hội nhập; trên 70% trẻ em khuyết tật ở độ tuổi đi học đến trường; trên 80% gia đình có NKT mở hồ sơ phục hồi, tham gia PHCN-DVCĐ; trên 80% NKT cần dụng cụ trợ giúp được cấp dụng cụ; 80% NKT tham gia sinh hoạt tại cộng đồng. Đến nay, gần 21.000 NKT được điều tra, khám và phân loại; trong đó, 3.613 NKT được mở hồ sơ phục hồi, tập luyện tại nhà với 1.280 NKT phục hồi tốt hòa nhập cộng đồng. 2.362/3.223 trẻ khuyết tật ở độ tuổi đến trường được đi học. 2.711/2.951 NKT cần dụng cụ trợ giúp được cấp dụng cụ thông qua nhiều nguồn khác nhau... Địa bàn có số NKT cao nhất là TX.TDM với 4.443 người, Tân Uyên là 4.132 người và Bến Cát 3.669 người.

Bác sĩ Thế đánh giá: Chương trình PHCN-DVCĐ đã đạt được kết quả cao cả về sức khỏe, xã hội và kinh tế. NKT, đặc biệt là trẻ em được cải thiện thể chất, nuôi dưỡng tốt nên giảm suy dinh dưỡng, phòng tránh được một số bệnh thường gặp. NKT hòa nhập xã hội tự sinh hoạt, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội; trong đó một số trường hợp tham gia lao động sản xuất tốt, nhiều trẻ khuyết tật đạt kết quả học tập tốt. Về mặt xã hội thì thể hiện được tình làng nghĩa xóm sâu đậm khi NKT được sự giúp đỡ luyện tập của các cộng tác viên; giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội; các ban ngành, đoàn thể, mạnh thường quân quan tâm, giúp đỡ NKT. Còn hiệu quả kinh tế thì khá rõ rệt khi chi phí cho NKT được PHCN-DVCĐ thấp hơn nhiều so với việc đưa NKT tới các trung tâm PHCN hay bệnh viện PHCN để điều trị.

Mặc dù công tác PHCN-DVCĐ đạt hiệu quả cao nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể là tỷ lệ NKT hội nhập còn thấp và chưa có mô hình hướng nghiệp, dạy nghề và tìm việc làm cho NKT sau khi phục hồi tốt hòa nhập cộng đồng. Trẻ em khuyết tật đến trường gặp nhiều khó khăn trong học tập... Vì vậy, công tác PHCN-DVCĐ cần được triển khai mạnh hơn trong thời gian tới.

THU THẢO