Phục hồi chức năng cho bệnh nhân hội chứng hậu Covid
(BDO) Hội chứng hậu Covid-19 ở F0 nhẹ, không triệu chứng
Covid-19 là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi rút SARS-CoV-2 gây tổn thương đa cơ quan và nhiều biểu hiện trên lâm sàng. Ngày càng có nhiều báo cáo và bằng chứng lâm sàng cũng như khoa học ghi nhận bệnh nhân Covid-19 sau giai đoạn cấp tính vẫn có các triệu chứng kéo dài, dai dẳng.
PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Hội chứng hậu Covid không chỉ gặp ở bệnh nhân điều trị nội trú mà còn cả bệnh nhân được quản lý ngoài cộng đồng, ở cả bệnh nhân mức độ nặng và nhẹ, thậm chí ở bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng trong giai đoạn cấp. Triệu chứng của hội chứng hậu Covid có thể biểu hiện ở bất cứ hệ cơ quan nào của cơ thể như hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, nội tiết, thận tiết niệu, tai mũi họng, cơ xương khớp.
Điều trị hội chứng hậu Covid tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Dương
Các triệu chứng có thể chồng lấp lẫn nhau, dao động và thay đổi theo thời gian. Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng hậu Covid là mệt mỏi 20 - 75%, khó thở 15 - 50%, suy giảm trí nhớ 34%, rối loạn giấc ngủ 30%, mất tập trung 28% và đau cơ 27%. Hồi phục chức năng cho bệnh nhân hậu Covid cần thận trọng, dựa trên từng cá nhân người bệnh vì chưa có hướng dẫn thống nhất và đồng thuận. Các vấn đề phục hồi chức năng cần được hỗ trợ phụ thuộc vào triệu chứng và hạn chế chức năng của từng bệnh nhân bao gồm suy giảm hoạt động thể chất, suy giảm chức năng hô hấp, rối loạn nuốt, suy giảm khả năng giao tiếp, suy giảm nhận thức, các vấn đề sức khỏe tâm lý và hạn chế hoạt động sinh hoạt thường ngày.
“Để sức khỏe được quản lý tốt nhất, sau mắc Covid-19, người dân nên đến thăm khám, kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế để được theo dõi và đánh giá tình trạng sức khỏe một cách toàn diện. Nếu xuất hiện các triệu chứng hô hấp ở hội chứng hậu Covid-19 (khó thở, ho kéo dài, đau ngực, suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế hoạt động thể lực…) thì việc đến khám tại các cơ sở y tế sẽ giúp phát hiện sớm và xử lý sớm những di chứng phổi sau Covid-19”, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu nói.
Bài tập thở phục hồi chức năng hô hấp
Phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạn chế các khuyết tật, bảo đảm chất lượng cuộc sống, giúp cho bệnh nhân sau nhiễm Covid-19 quay trở lại công việc và sinh hoạt thường ngày. Các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ tập các bài tập thở để phục hồi chức năng hô hấp nhằm thông khí các vùng phổi.
Kỹ thuật thở chúm môi (tập thở hoành) làm giãn nở lồng ngực, tăng khả năng tống thải đờm dịch giúp tăng không khí vào phổi. Người bệnh thực hiện ở 3 tư thế nằm ngửa đầu gối gập 45 độ, ngồi hoặc đứng để thực hiện các bài tự tập thở. Bước 1, người bệnh hít thật sâu từ từ bằng mũi đồng thời bụng phình lên. Bước 2, chúm môi từ từ thở ra thật hết đồng thời bụng hóp lại.
Kỹ thuật tập ho hiệu, đẩy đờm: Bước 1, thở chúm môi khoảng 5 - 10 lần giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế quản vừa. Bước 2, tròn miệng, hà hơi 5 - 10 lần, tốc độ tăng dần (giúp đẩy đờm từ phế quản vừa ra khí quản). Bước 3, ho, hít vào thật sâu, nín thở và ho liên tiếp 2 lần (lần 1 nhẹ, lần 2 nhanh mạnh) để đẩy đờm ra ngoài.
Tập thở chu kỳ chủ động nhằm thông khí các vùng phổi: Bước 1, người bệnh thở có kiểm soát (hít thở nhẹ nhàng trong 20 - 30 giây). Bước 2 căng giãn lồng ngực, hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2 - 3 giây và thở ra nhẹ nhàng, lặp lại 3 - 5 lần. Bước 3, hà hơi, hít thật sâu, nín thở 2 - 3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài và lặp lại 1 - 2 lần. Bước 4, khạc đờm vào cốc đựng đờm, dùng khăn giấy lau miệng rồi bỏ luôn khăn giấy vào cốc, tiếp theo đổ ngập dung dịch Javen 1% rồi đậy kín nắp.
Ngoài ra, còn có kỹ thuật tập thở với dụng cụ trợ giúp hô hấp: Bóng cao su, bóng bay và dụng cụ chuyên dụng tập chức năng hô hấp Spiroball. Hoặc kỹ thuật tập vận động gắn liền với hoạt động hàng ngày để duy trì, tăng sức mạnh của cơ vùng chi, thân mình và đầu cổ; tập thở giảm lo âu, kết hợp giữa thở cơ hoành và thiền tập.
HOÀNG LINH