Phụ nữ với phong trào “cuộc sống xanh”

Thứ hai, ngày 06/06/2022

(BDO) Nhiều hoạt động từ phong trào trồng cây xanh của tháng 5 vừa qua và  hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã có những cách làm hay, để cuộc sống “xanh hơn”.

Trong  tháng 5-2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tổ chức lễ phát động ra quân trồng cây xanh hưởng ứng chương trình “Mỗi phụ nữ - Một cây xanh”. Qua đợt phát động này, các xã, phường, thị trấn đã trồng gần 5.000 cây dầu, sao, cây xanh và cây ăn trái các loại. 

Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) và Tháng hành động vì môi trường thế giới. 

Theo bà Nguyễn Khoa Diệu An, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, khắp nơi trong tỉnh đã phát động nhiều cách làm hay, như trồng cây, tái chế chất thải, nói không với chất thải rắn… Các cấp hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, động viên, khuyến khích cán bộ, hội viên, phụ nữ, nữ công nhân nhà trọ tích cực tham gia hoạt động trồng, chăm sóc cây xanh, bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. 


Ra mắt mô hình “Xóm trọ xanh - Cuộc sống xanh” tại phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một.

Mới đây, thực hiện Đề án nâng cao chất lượng cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” của TP.Thủ Dầu Một, hưởng ứng phong trào hướng đến cuộc sống xanh của Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một đã tổ chức lễ phát động thực hiện mô hình “Xóm trọ xanh - Cuộc sống xanh” tại các Chi hội nữ công nhân. Hoạt động này nhằm góp phần bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xây dựng phường Hiệp An xanh - sạch - đẹp. 

Khách mời tham dự ngày lễ phát động “Xóm trọ xanh - Cuộc sống xanh” được tặng giỏ đi chợ, sọt rác phân loại tại nguồn. Hội viên, phụ nữ còn tham gia trồng cây cho công trình “Mầm xanh hôm nay - Sự sống ngày mai”. Các chị đã trồng 50 cây dầu tại khu đất công khu phố 6, phường Hiệp An. Các chị cũng tuyên truyền, vận động nữ công nhân nhà trọ trồng và chăm sóc cây, tạo không gian xanh tại nơi ở trọ cho nữ thanh niên công nhân. 

Chị Huỳnh Thị Diễm Thúy,  Chủ tịch Hội LHPN phường Hiệp An cho biết, đây là một trong những hoạt động giúp gắn kết nữ công nhân nhà trọ trong tổ chức hội để kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chị, giúp các chị vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và yên tâm làm việc.

Tại phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An,  hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5- 6) và thể hiện vai trò của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong việc tham gia bảo vệ môi trường, Hội LHPN phường đã tổ chức hội thi “Phụ nữ với sản phẩm tái chế” năm 2022.  Có 5 đội tham gia với 15 thí sinh đến từ các khu phố và sự tham gia cổ vũ nhiệt tình của 60 cổ động viên. Hội thi diễn ra với 2 phần thi, gồm thi sản phẩm tái chế và đoán ý đồng đội. 

Hội thi diễn ra trong không khí vui tươi, sôi nổi, phấn khởi, trong đó nổi bật nhất là thi sản phẩm tái chế. Từ những vật liệu bỏ đi như ống hút, vỏ chai nhựa, vỏ dừa khô, giấy, que kem.., qua bàn tay khéo léo của các chị đã sáng tạo nên những sản phẩm đẹp mắt, có ý nghĩa thiết thực và nhiều tiện ích để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như bình hoa, đèn ngủ, những ngôi nhà, chậu hoa, dàn trồng hoa, cây kiểng, quần áo… 

Hội thi “Phụ nữ với sản phẩm tái chế” đã giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng túi ni lông, rác thải nhựa sử dụng một lần, biết tái chế các sản phẩm, sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường trong cuộc sống hàng ngày để góp phần bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn.

Tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, Hội LHPN xã đã ra mắt Câu lạc bộ “Phụ nữ tiết kiệm phế liệu”. Tham dự có đại diện các ban, ngành, đoàn thể, đại diện ban, ấp cùng 30 chị thành viên Câu lạc bộ “Phụ nữ tiết kiệm phế liệu”. 


Câu lạc bộ “Phụ nữ tiết kiệm phế liệu” ở xã An Bình, huyện Phú Giáo.

Tại buổi lễ ra mắt, các chị đã thông qua quy chế của câu lạc bộ. Câu lạc bộ được thành lập với mục đích nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm môi trường gây mất an toàn thực phẩm, vận động, kêu gọi cán bộ, hội viên thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể. 

Việc ra mắt và đưa Câu lạc bộ “Phụ nữ tiết kiệm phế liệu” đi vào hoạt động còn góp phần tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình cán bộ phụ nữ phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ. Với rác thải hữu cơ, các gia đình sẽ mang đi chôn lấp để tận dụng làm phân bón hữu cơ. Với rác thải vô cơ, các gia đình sẽ tự thu gom sau đó tập kết về khu xử lý tập trung rác thải không thể tái chế. Với rác thải tái chế được như vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn.., hàng tháng các gia đình sẽ tự nguyện mang phế liệu đến nơi quy định, sau đó tập trung để bán. 

Từ nguồn tiền bán phế liệu, các các gia đình thống nhất nhập vào quỹ và sử dụng để hỗ trợ cho hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Quỳnh Như