Phụ nữ mang thai cần biết

Thứ bảy, ngày 06/10/2018

(BDO) Như chúng ta đã biết, ngoài lây truyền qua đường máu và đường tình dục thì lây truyền từ mẹ sang con là một trong ba con đường chính lây truyền HIV/AIDS. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người vẫn nghĩ nếu mẹ bị nhiễm HIV/AIDS thì sinh con ra chắc chắn đứa trẻ cũng bị nhiễm HIV/AIDS. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Qua nhiều thông kê  cho thấy cứ 100 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV thì có khoảng 30-40 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ nếu không có bất kì sự can thiệp nào để dự phòng khi mang thai (chiếm tỷ lệ 30- 40%). Tuy nhiên, nếu người mẹ bị nhiễm HIV mà khi mang thai được điều trị dự phòng đầy đủ, thì 100 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV thì chỉ còn khoảng 5 trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ (khoảng 5%).

Sự lây truyền có thể diễn ra ở các giai đoạn sau đây:

- Lây truyền trong thời kỳ mang thai: Sự lây truyền HIV qua con đường này có thể xảy ra rất sớm, ngay khi người mẹ mang thai mới được 8 tuần và có thể kéo dài trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ lây truyền HIV qua rau thai cao nhất diễn ra vào thời kỳ tuổi thai được trên 18 tuần. Khoảng 20-30% số trẻ em bị lây truyền HIV từ mẹ trong giai đoạn này.

- Lây truyền trong khi sinh: Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra muộn quanh thời kỳ chuyển dạ. Nguyên nhân là khi đứa trẻ đi qua đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo hoặc do sự trao đổi máu mẹ - thai nhi khi chuyển dạ. Có khoảng 50-60% số trẻ em bị lây truyền HIV trong giai đoạn này. Nguy cơ lây truyền sẽ tăng lên trong trường hợp đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phần mềm của người mẹ bị dập nát, thai bị xây xước, sang chấn...

- Lây truyền trong quá trình cho con bú: Sau khi sinh, trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ, vì lúc này virut HIV dễ dàng truyền sang cơ thể bé qua các vết nứt ở núm vú của người mẹ khi trẻ đang mọc răng, bị tổn thương ở niêm mạc miệng hay HIV trong sữa mẹ có thể lây sang con theo đường tiêu hóa. Thời gian bú mẹ càng dài, trẻ càng có nhiều nguy cơ nhiễm HIV hơn. Do vậy, phụ nữ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa thay thế.

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV hoàn toàn có thể sinh ra trẻ không bị nhiễm HIV nếu được điều trị ARV sớm, vì thế cần xác định tình trạng nhiễm HIV của mình trước khi có kế hoạch sinh đẻ để có các can thiệp dự phòng kịp thời. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần chủ động đến các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền mẹ con để được chăm sóc, điều trị phù hợp. Từ những hiệu quả của các biện pháp can thiệp, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã làm thay đổi rất lớn quan điểm về mang thai và sinh sản ở phụ nữ nhiễm HIV so với thời kỳ đại dịch HIV mới xuất hiện. Bên cạnh đó, để đạt được những kết quả lớn hơn nữa, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần tiếp tục triển khai rộng rãi, tăng cường khả năng tiếp cận cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, giảm dần và tiến đến xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. 

Trung tâm Phòng, Chống HIV/AIDS