Phụ nữ cần có tự trọng, tự tin, đảm đang và trung hậu
Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa tiến hành khảo sát kiểm tra tiểu đề án 1 thuộc Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức (PCĐĐ) phụ nữ (PN) Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước giai đoạn 2010-2015 tại Bình Dương. Nhân dịp này, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với Phó ban Tuyên giáo Trung ương hội Nguyễn Thị Mai Hoa xoay quanh nội dung đề án này.
- Vì sao phải có đề án này, thưa bà?
- Đánh giá về những khó khăn, thách thức đối với PN trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác PN thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, đã chỉ rõ PN gặp nhiều khó khăn thách thức khi thực hiện vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên của con người trong điều kiện xã hội và gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. PCĐĐ và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận PN. Đó là sự cần thiết phải xây dựng đề án này.
- Xin bà nói rõ hơn về thực trạng PCĐĐ của PN hiện nay?
- Hiện nay, quan niệm về các giá trị đạo đức truyền thống đang dần phai mờ trong nhận thức và lối sống của một bộ phận PN. Một bộ phận PN sống thiếu lý tưởng, vô cảm, bàng quan trước các vấn đề bức xúc xã hội. Nhiều nữ thanh niên thích hưởng thụ, đua đòi, dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội. Nhận thức của không ít người dân, PN về vai trò, chức năng giáo dục của gia đình còn hạn chế; trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng gia đình hạnh phúc có xu hướng bị xem nhẹ... Trong xã hội, nhất là giới trẻ đang có xu hướng sống thực dụng, có quan niệm lệch lạc trong hôn nhân, tình yêu. Một số khác còn hạn chế về mặt nhận thức, quen sống thụ động, tự ti, an phận, chấp nhận những đối xử bất bình đẳng, chưa biết tự bảo vệ quyền lợi của mình dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí thiệt hại tính mạng.
- Vậy, ý nghĩa của đề án này là gì?
- Đề án Tuyên truyền, giáo dục PCĐĐ PN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước giai đoạn 2010-2015 là một đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng. Việc thực hiện đề án sẽ góp phần tạo tiền đề xây dựng và hình thành PCĐĐ tốt đẹp của người PN Việt Nam, của con người Việt Nam một cách bền vững.
- Và vai trò của hội trong đề án này, thưa bà?
Đề án này có 4 tiểu đề án. Theo đó, Trung ương hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động, Trung ương Đoàn Thanh niên xây dựng và thực hiện tiểu đề án 1, đó là tuyên truyền, giáo dục PCĐĐ PN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước trong cán bộ, hội viên, PN; cụ thể gồm các hoạt động biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục PCĐĐ PN theo tiêu chí xây dựng người PN Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong các cấp hội; tổ chức tuyên truyền, giáo dục tiêu chí PN cho cán bộ, hội viên, PN và phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, giáo dục tiêu chí xây dựng người PN Việt Nam trong nữ thanh niên ngoài hệ thống trường học; nữ cán bộ, công chức, viên chức và nữ công nhân lao động...
- Mục tiêu đề án đề ra như thế nào?
- Mục tiêu chung của đề án là tuyên truyền, giáo dục PCĐĐ PN thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước theo tiêu chí có lòng yêu nước; có sức khỏe; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là PN trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng PCĐĐ tốt đẹp của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Có thể tóm gọn thành 4 PCĐĐ là tự trọng, tự tin, đảm đang và trung hậu.
- Bà có thể cho biết thêm nội dung tuyên truyền, giáo dục của đề án?
- Đó là các giá trị đạo đức truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của PN Việt Nam được xây dựng, giữ gìn và phát huy qua nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn phát triển của đất nước và tiêu chí xây dựng người PN Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH.
- Và kết quả mang lại từ đề án là gì?
Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức truyền thông đề án cho cán bộ, hội viên phụ nữ phường Phú Lợi (TX.TDM)
- Đề án sẽ góp phần giữ gìn và phát huy những PCĐĐ và truyền thống tốt đẹp của PN trong công cuộc đổi mới đất nước; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng tiêu chí, chuẩn mực người PN với các phẩm chất tiêu biểu đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH; nêu cao vai trò của người PN trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội; góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia; thúc đẩy bình đẳng giới, thực hiện quyền PN và nâng cao vị thế của PN Việt Nam.- Xin cảm ơn bà!
THU THẢO (thực hiện)