Phú Giáo và định hướng phát triển bền vững
(BDO) Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Giáo lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020, có thể thấy nền kinh tế của huyện có những chuyển biến tích cực, chương trình xây dựng nông thôn mới nổi lên thấy rõ, đời sống tinh thần vật chất của nhân dân không ngừng được cải thiện và đang dần thể hiện được nếp sống văn minh, hiện đại. Đó là những thành quả đáng khích lệ, tạo tiền đề vững chắc để Đảng bộ huyện tiếp tục thực hiện chương trình đột phá phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện trong tương lai.
Khu công nghiệp Tam Lập (huyện Phú Giáo)đang được đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Ảnh: Đ.HẬU
Trong giai đoạn 2010-2015, ngành CN-TTCN của huyện Phú Giáo đã có bước chuyển biến tích cực, đúng định hướng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 13%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III đề ra. Với định hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, trong những năm qua cùng với quá trình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và gia tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ. Nếu như năm 2011, cơ cấu kinh tế của huyện: nông nghiệp 44%, công nghiệp - xây dựng 30,4%, thương mại - dịch vụ 25,6% thì đến năm 2015 nông nghiệp giảm còn 40,5%, công nghiệp - xây dựng tăng lên 31,5%, thương mại - dịch vụ 28%. Như vậy, cơ cấu kinh tế của huyện có sự thay đổi nhanh trong nền kinh tế thị trường mở với đa dạng các thành phần kinh tế.
Trên cơ sở những kết quả đạt được của ngành CN-TTCN, Đại hội Đảng bộ huyện Phú Giáo lần thứ IV đã vững tin và tiếp tục đề ra các chủ trương mạnh mẽ nhằm đưa nền CN-TTCN của huyện có bước phát triển vững chắc phù hợp với điều kiện của địa phương. Cụ thể, nghị quyết của đại hội chỉ rõ: Phát triển công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản thực phẩm, gắn với phát triển dịch vụ, phát triển công nghiệp nông thôn, tạo lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.
Sau hơn 2 năm tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội và Chương trình hành động số 22a-CTr/HU về phát triển CN-TTCN, sản xuất công nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn. Trong đó, giá trị sản xuất toàn ngành CN-TTCN năm sau luôn tăng hơn so với năm trước. Toàn huyện có trên 500 cơ sở sản xuất CN-TTCN có quy mô vừa và nhỏ, tạo việc làm cho khoảng 3.000 người.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện khẳng định, đến thời điểm này cho thấy các chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV đề ra cơ bản thành công. Nguyên nhân trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, tiếp đến là nhờ vào sự nỗ lực của Đảng bộ huyện trong việc tập trung chỉ đạo cải cách hành chính cùng với tinh thần quyết tâm của cán bộ các cấp từ xã đến huyện đã đoàn kết, đồng thuận trong thực hiện chủ trương không chỉ phát triển huyện nhà mạnh về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà còn từng bước phát triển CN-TTCN nhằm tạo sức bật đưa Phú Giáo phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Ông Đồng cho biết thêm, chủ trương phát triển CN-TTCN của huyện đã thu được những kết quả tích cực. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư, ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến với Phú Giáo. Đó là tín hiệu đáng mừng và không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả của sự nỗ lực lớn của huyện trong thời gian qua. Các nhà đầu tư khi đến với Phú Giáo đều được địa phương tạo điều kiện thuận lợi như tiếp cận quỹ đất sạch, thủ tục hành chính nhanh gọn… Đặc biệt thời gian qua, huyện Phú Giáo đã thành lập được hội doanh nghiệp, thường xuyên tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đây là cách làm kịp thời, thể hiện sự nhạy bén, cầu thị của địa phương đối với các nhà đầu tư.
Theo ông Trương Thanh Hóa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, hiện nay trong 5 cụm công nghiệp được phê duyệt, có 1 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư và đang triển khai cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dự kiến cuối năm 2018 sẽ đưa vào hoạt động nhà máy luyện và sản xuất lốp cao su. Ngoài ra, trong năm 2017 các nhà đầu tư đã trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho phép triển khai thực hiện đầu tư thêm hai cụm công nghiệp, gồm Cụm công nghiệp Tam Lập 2, quy mô 75 ha; Cụm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại xã Phước Hòa, quy mô 66 ha. Trong công tác điều chỉnh sử dụng đất đến năm 2020, huyện đã và đang thực hiện theo Công văn số 173/TTg/KTN ngày 28-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch Khu công nghiệp Bình Dương đến năm 2020 để thành lập 1 khu công nghiệp trên địa bàn huyện với quy mô 500 ha.
Nhận thức được việc phát triển CN-TTCN sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân nên nghị quyết của đại hội và các chương trình hành động của Huyện ủy Phú Giáo đề ra đã nhận được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân và toàn hệ thống chính trị trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Thành quả bước đầu là đáng phấn khởi, tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện, cũng nêu rõ là Phú Giáo không phát triển công nghiệp bằng mọi giá mà có chọn lọc. Chủ trương nhất quán của huyện là phát triển công nghiệp để tạo lực phát triển, mục tiêu tiếp theo là giải quyết việc làm nâng cao mức sống tinh thần vật chất của nhân dân. Huyện ưu tiên những ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp như chế biến, nông lâm thủy sản, các ngành gắn với vùng nguyên liệu, tuyệt đối không thu hút những ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Chủ trương phát triển CN-TTCN của huyện đưa ra thể hiện tầm nhìn xa, mang tính bền vững.
Công nghiệp về nông thôn là niềm vui của đông đảo nhân dân mà chúng tôi ghi nhận được trong những ngày đi thực tế ở Phú Giáo. Bởi công nghiệp phát triển sẽ tạo được sức bật, đòn bẩy kéo theo các ngành nghề khác cùng phát triển mà đối tượng được hưởng lợi chính là người dân. Đối với các ngành nghề ưu tiên phát triển công nghiệp của huyện Phú Giáo nêu trên lại càng liên quan mật thiết đến người nông dân. Bởi thực tế cho thấy, hiện nay nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Phú Giáo đang phát triển khá mạnh mẽ. Thành quả ban đầu khiến người nông dân rất phấn khởi. Song về lâu dài thì vấn đề đầu ra sản phẩm và đặc biệt khâu bảo quản, chế biến đang là bài toán cần sớm có lời giải. Do đó, chủ trương xây dựng các nhà máy chế biến, các kho bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch là rất cần thiết. Làm được như vậy thì đến mùa thu hoạch, nông dân sẽ không lâm vào cảnh bị thương lái ép giá, dẫn đến tình trạng trầm kha được mùa mất giá diễn ra lâu nay.
Từ thực tiễn tình hình của địa phương đã cho thấy, các chủ trương phát triển kinh tế mà Đảng bộ huyện Phú Giáo đã đề ra là phù hợp đặc thù của huyện, đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của người dân. Trong tương lai, khi các khu cụm công nghiệp đi vào hoạt động và nền nông nghiệp công nghệ cao của Phú Giáo phát triển mở rộng sẽ gắn kết chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau phát triển. Và đây là chủ trương mang tầm chiến lược mà Đảng bộ huyện Phú Giáo đã đề ra và quyết tâm thực hiện
KIẾN GIANG - TRÍ DŨNG