Phú Giáo: Trám lấp giếng hư hỏng để bảo vệ môi trường
(BDO) Với tỷ lệ 48,2% giếng không sử dụng được trám lấp từ năm 2010 đến 2017 là con số quá ít so với hiện trạng giếng hư hỏng ở huyện Phú Giáo. Chính vì thế, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện đã phối hợp đẩy mạnh truyền thông, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt trên địa bàn 8 xã trong tháng 8 tới…
Sở Tài nguyên và Môi trường tập huấn trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng tại Phú Giáo
Theo số liệu điều tra năm 2010, toàn huyện có 1.166 giếng hư hỏng, không sử dụng chưa được người dân trám lấp, trong đó đa phần là giếng của hộ gia đình. Chính vì chưa trám lấp, nên chất bẩn từ mặt đất thấm vào tầng nước ngầm qua những giếng khoan hoặc giếng đào bị hư hỏng gây nên nhiều hệ lụy. Đó không chỉ là tác nhân gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng đến tầng nước ngầm trong mùa khô.
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm, việc trám lấp giếng không sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ông Võ Văn Hiền, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Phú Giáo, cho biết sau khi nắm và phân tích kết quả quan trắc dưới đất và mực nước ngầm và hiện trạng của nó, Phú Giáo đã bắt đầu phối hợp với các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các hộ dân về ý nghĩa, lợi ích của việc trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng để bảo vệ môi trường. Sau nhiều năm thực hiện, toàn huyện mới trám lấp 562 giếng không sử dụng đạt 48,2%; còn đến 604 giếng chưa trám lấp. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm chậm tiến độ trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng là do nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn nước ngầm còn hạn chế.
Với ý nghĩa trám lấp giếng hư hỏng để bảo vệ môi trường, ngay từ đầu tháng 7, Phú Giáo đã lên kế hoạch và rà soát lại số giếng hư hỏng, không sử dụng của 11 xã trên địa bàn. Không chỉ vậy, ông Hiền cho biết để bước thực hiện đạt kết quả như mong muốn, bằng các hình thức tuyên truyền, Phòng TN&MT huyện cùng với các xã tổ chức tuyên truyền trong ban ngành, đoàn thể và người dân có giếng hư hỏng, không sử dụng chưa trám lấp nắm rõ các quy định về trám lấp giếng hư hỏng, bảo vệ nguồn nước dưới đất tránh bị ô nhiễm, đồng thời phối hợp vận động, hướng dẫn, giám sát các hộ dân trám lấp theo đúng quy trình đặt ra, nhất thiết phải xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi không thực hiện trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng theo nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Trao đổi thêm về kế hoạch trám lấp số giếng hư hỏng, không sử dụng còn lại, ông Hiền cho biết thêm, trong tháng 8 này, trước mắt UBND các xã Phước Hòa, Phước Sang, Tân Hiệp, Tân Long, An Linh, An Bình, An Thái và Vĩnh Hòa phối hợp thực hiện rà soát giếng hư hỏng, đồng thời cử cán bộ vận động các hộ dân thực hiện. Riêng về kinh phí hỗ trợ trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng, Phòng TN&MT huyện sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch huy động các ban ngành, đoàn thể và huy động các phương tiện xe ben, xe rìa, máy dầm… để trám lấp giếng, trong đó giếng đào, vật liệu trám lấp là đất sét, bệ bê tông; còn giếng khoan có vữa xi măng, bệ bê tông...
Kỹ thuật trám lấp giếng hư hỏng không sử dụng cũng theo đúng quy trình. Trình tự thi công, tiến hành trám lấp từ dưới đáy lên theo từng đoạn. Sau mỗi đoạn khoảng 2m thì đầm nén chặt. Công việc cứ tiếp tục cho đến khi lấp đầy miệng giếng. Đối với giếng khoan đường kính khoảng 60mm, vật liệu trám lấp là hỗn hợp lỏng pha trộn gồm xi măng và nước. Quy trình thi công, dùng phễu đưa hỗn hợp này vào giếng từ từ cho đến khi đầy miệng. Để kết thúc quá trình trám lấp, trên mặt đất sẽ được đổ bệ xi măng. Bằng cách này, các giếng hư hỏng không sử dụng được trám lấp sẽ không có hiện tượng chất bẩn từ trên thấm vào tầng nước ngầm.
Đoàn viên thanh niên Chi đoàn 2 tặng quà và vui chơi cùng các em ở lớp học tình thương
Chi đoàn 2 Đoàn cơ sở Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa đến thăm hỏi, giao lưu và tặng quà cho các trẻ em nghèo, mồ côi biết vượt khó vươn lên tại Lớp học tình thương phường Hiệp Thành và Cơ sở bảo trợ xã hội Ngọc Quý, (phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một). Các phần quà gồm sữa tươi, nước rửa chén, dầu ăn, nước xả vải cùng sách, tập, dụng cụ học tập, sữa bột, tã quần…
Với số tiền 6,6 triệu đồng và nhiều vật phẩm từ cán bộ, viên chức, người lao động và các nhà hảo tâm của Trung tâm Quan trắc - Kỹ thuật TN&MT và Chi cục Bảo vệ môi trường đóng góp, đã mang lại ý nghĩa thiết thực, tạo niềm vui trong cuộc sống cho trẻ em nghèo, trẻ mồ côi...
Tin, ảnh: P.V
P.V